Bí kíp viết thư xin việc chuẩn nhất - Phần 2

Tiếp tục Chia sẻ bí kíp viết thư xin việc phần 1, hôm nay Vnboo tiếp tục giới thiệu với các bạn phần 2 của những bí kíp viết thư xin việc (cover letter) với các lỗi thường gặp và cách khắc phục chúng.
Bí kíp viết thư xin việc chuẩn nhất

1. LỖI 1: THIẾU THÔNG TIN CÁ NHÂN ĐẦU THƯ XIN VIỆC
Cũng không hẳn là form bắt buộc nhưng thư xin việc nên bắt đầu ngay là thông tin cá nhân của bạn và được căn lề phải (CTRL+R) theo mẫu tham khảo sau:
[Đầy đủ họ tên]
Điện thoaij:
Email:
Địa chỉ:
Nếu địa chỉ dài thì bạn nên xuống dòng ngắt ra từ quận (huyện) và thành phố, như vậy trông sẽ đẹp mắt hơn và chuyên nghiệp hơn.
2. LỖI 2: MỞ ĐẦU CHƯA CHÍNH XÁC
Đã bao giờ bạn nhìn thấy một thư xin việc với mở đầu như thế này:
“Dear Human Recruitment Team,
ABC Vietnam- Hanoi Office
15th Floor, XYZ Tower, Some St.,
Dong Da, Hanoi,
Vietnam”
Rõ ràng là có một số vấn đề ở đây. Sau Dear chỉ là một danh từ thôi chứ không cần “bê” cả địa chỉ của nhà tuyển dụng vào đâu nha. Hơn nữa đừng nên gửi 1 bức thư cho nhiều nhiều người như là team hay department mà hãy gửi cụ thể đến cá nhân như là “Dear Human Resource Manager” hoặc đơn giản nhất là “Dear Sir/Madam” hay “To whom may concern” nếu như bạn cũng không rõ thư xin việc của bạn sẽ chuyển đến tay ai.

Học tiếng Anh rồi thế nào bạn cũng đã được học cách viết thư của người Anh bắt đầu bằng “Dear [who],” nhưng với thư tuyển dụng tiếng Việt thì không nên dùng “dear” vì cơ bản dear = “thân gửi” hay “Nhà tuyển dụng thương mến của tôi ơi” mà nhà tuyển dụng đâu có thân thương. Vậy với một thư xin việc nên bắt đầu như thế nào nhỉ? >>> Với thư tiếng Việt, bạn có thể bắt đầu bằng “Thưa quý công ty ABC,” hoặc “Kính gửi Trưởng phòng nhân sự công ty ABC,”
3. LỖI 3: VIẾT GÌ TIẾP THEO ĐÂY?
Xong phần đầu dễ nhất rồi, bắt tay vào viết phần chính là phần khó nhằn nhất khiến cho bạn không biết bắt đầu từ đâu. Sau đây là gợi ý nhé:
• Phần 1 gồm 1 câu giới thiệu từ đâu bạn thấy quảng cáo tuyển dụng, ví dụ “Thông qua trang web ABC.com, tôi biết được công ty XYZ hiện đang tuyển dụng vị trí nhân viên marketing ở văn phòng/ chi nhánh Hà Nội”. Sau đó hãy thể hiện “tình yêu” của bạn với cơ hội tuyển dụng đó  Hãy thể hiện bạn hứng thú như thế nào với vị trí này thậm chí công ty tuyển dụng, như là “Từ khi còn là sinh viên, tôi vẫn luôn khao khát được làm việc cho quý công ty…” (nhưng rất thận trọng khi “lấy lòng” nhà tuyển dụng bằng chiêu này nếu không lúc phỏng vấn bạn sẽ bị hỏi ngược lại và mất điểm đấy nhé!) và bạn thấy tự tin như thế nào vào khả năng của bạn khi ứng tuyển. Phần 1 này chỉ nên dài từ 2-3 câu thôi nhé.
• Phần 2 là phần bạn giới thiệu và “chứng minh” cho nhà tuyển dụng thấy bạn tự tin như thế nào, vì ở chính kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của bạn. Hãy để cho nhà tuyển dụng thấy bạn là “most-wanted candidate” (Ứng viên sáng giá nhất) cho vị trí họ đang tuyển dụng. Khác với CV là bạn có gì bạn “khoe” hết ra thì thư xin việc lại đòi hỏi sự thông minh khi bạn “nhặt” ra những kỹ năng, kinh nghiệm của bạn phù hợp với yêu cầu và mô tả công việc từ nhà tuyển dụng. Chỗ này cần bạn tư duy logic và khéo léo thể hiện không quá lố mà vẫn đúng là văn viết thư. Bạn có thể thêm các từ nối (linking words) như là: Thực sự, Bên cạnh đó, Ngoài ra, Đặc biệt … để làm bức thư xin việc có thêm sự bay bổng hơn là toàn văn tả “người”.
>>>Phần 2 này có thể chia làm 2 phần để cho nhà tuyển dụng dễ theo dõi gồm “khoe” về học vấn của bạn và kể về “kinh nghiệm” làm việc. Nếu sinh viên mới ra trường bạn có thể kể về kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa.
• Phần 3 là phần bạn có thể thuyết phục “ăn điểm” được nhà tuyển dụng nhất. Bạn cần thể hiện bạn sẽ cống hiến được gì cho công việc, công ty khi bạn ở vị trí bạn đang ứng tuyển – đây là điểm mấu chốt để nhà tuyển dụng có thể thấy được vì sao bạn xứng đáng được tuyển và mang lại lợi ích gì cho họ. Đó là lý do vì sao bạn không nên soạn sẵn thư xin việc rồi gửi cho một loạt nhà tuyển dụng, vì với mỗi công ty phần này sẽ giúp bạn tăng cơ hội trúng tuyển lên rất nhiều

4. LỖI 4: CÁI KẾT KHÔNG HOÀN HẢO
Cái kết không nên quá cầu kỳ vì đến đây nhà tuyển dụng đọc thư xin việc của bạn cũng đã đủ “mệt”  Về chức năng cơ bản, thư xin việc cũng là bức thư giới thiệu cho CV và các giấy tờ kèm theo nên bạn có thể giới thiệu 1 câu “Ông/Bà hoặc Quý công ty có thể xem thêm CV tôi gửi kèm để xem xét cho vị trí tuyển dụng này”. Sau cùng bạn có thể kết thúc lá thư lịch sự bằng cách cám ơn nhà tuyển dụng đã giành thời gian đọc thư xin việc và hy vọng sẽ nhận được hồi âm sớm từ phía họ.
5. LỖI 5: VIẾT DÀI LÊ THÊ
Khi được hỏi độ dài cần thiết của một thư xin việc là bao trang thì nhìn chung các bạn đều đưa ra câu trả lời đúng là 1 trang. Nhưng căn trang cách dòng thể nào chả được 1 trang giấy A4 !? 
CV bạn có thể làm vậy nhưng với một thư xin việc hãy để nó thoáng và dễ đọc nhất cho nhà tuyển dụng nhé. Thông thường bạn nên để khoảng cách dòng là 1.5 và căn hai bên bức thư để căn cân đối (CTRL+J) không nên quá sát lề. Cố gắng đừng quá tham lam thông tin vì dùng thư xin việc là để bạn nêu ra những điểm nổi bật nhất của mình thôi mà, nên hãy thông minh chọn lọc ra chi tiết “ăn điểm” với nhà tuyển dụng nhé.

Hy vọng qua bài chia sẻ này các bạn sẽ có một lá thư xin việc ăn điểm với nhà tuyểndụng 
Nguồn:  Xoăn Phải Sáo/FB