Quên Israel đi, Singapore mới là quốc gia thông minh nhất thế giới


Singapore là quốc gia thông minh nhất trên thế giới, kế tiếp là Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Estonia, Thụy Điển, Hà Lan, Canada và Nhật Bản…  Hoa Kỳ cùng chia sẻ vị trí 28 với Italia.


Đó là kết quả của một nghiên cứu về mức độ thông minh của học sinh, sinh viên tại các quốc gia trên thế giới vừa được Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế OECD công bố. Mức độ thông minh được đánh giá thông qua điểm số môn toán học và các nghiên cứu khoa học của các học sinh, sinh viên được điều tra. Một kết quả không mấy bất ngờ và phản ánh đúng những gì đất nước Singapore đang có.
Học sinh Singapore luôn đứng top đầu trong các kỳ thi Olympic đối với các môn tư duy logic như toán, vật lý,… Singapore là quốc gia tích cực nhất trong việc gửi học sinh, sinh viên của mình đến các nước phát triển khác học tập, đồng thời cũng là một trong những điểm đến lý tưởng nhất của du học sinh khắp thế giới. Sách giáo khoa (đặc biệt là sách toán), quy trình giáo dục của Singapore được coi là kiểu mẫu và áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ, Hồng Kông, Hàn Quốc …

Vậy đâu là lý do cho sự thành công của nền giáo dục Singapore?

Theo bà Đặng Khánh Ly, một trong những người tham gia vào quá trình đưa bộ sách toán Singapore đầu tiên (mang tên Đánh thức tài năng toán học) đến với học sinh Việt Nam, sự thành công đó của Singapore gồm 3 nguyên nhân cốt lõi:
Thứ nhất, đầu tư cho giáo dục luôn là ưu tiên số một. Singapore luôn xác định mình là một quốc gia nhỏ bé và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Họ không thể thay đổi các nhân tố địa lý vốn là bất biến. Để tồn tại và phát triển, thứ tốt nhất mà họ có thể làm là tập trung đầu tư và khai thác nguồn tài nguyên con người. Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi các ông bố, bà mẹ ở đất nước này luôn đặt giáo dục con cái lên hàng đầu, và cũng là những người chịu chi nhất thế giới cho con cái học tập. Nhà nước Sigapore luôn là một trong những nhà đầu tư, tài trợ hào phóng nhất cho các chương trình giáo dục, chương trình học bổng, không chỉ cho học sinh bản địa mà cả những người nước ngoài học tập tại Singapore.
Thứ hai, hệ thống giáo dục phát triển toàn diện. Nhà nước Singapore độc lập không những không phá bỏ hệ thống giáo dục vốn rất khoa học được Anh áp dụng thời kỳ thuộc địa mà còn đưa nó lên một tầm cao mới. Mọi đứa trẻ đủ tuổi đến trường đều phải tham gia chương trình giáo dục bắt buộc trong khi nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho họ được hưởng những điều kiện học tập tốt nhất: từ cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, sách giáo khoa và chương trình đào tạo.

hoc-sinh-singapore

Tại Singapore, từ cấp tiểu học mang tính nền tảng đến cấp đại học, người học luôn được khuyến khích, “kích đẩy” để bộc lộ hết những tố chất, khả năng của mình. Những cá nhân xuất sắc sẽ được chọn lọc và hưởng các chương trình đào tạo đặc biệt để trở thành tầng lớp tinh hoa của xã hội tương lai. Phần còn lại sẽ vẫn tiếp tục được đầu tư, khuyến khích học tập để đảm bảo một xã hội Singapore có trình độ dân trí cao và có lực lượng lao động chất lượng.
Thứ ba, áp dụng chương trình học tiếng Anh ngay từ đầu. Đa phần dân cư Singapore là người Hoa, phần cón lại là người Mã Lai và các dân tộc khác. Tuy nhiên, ngay từ khi lập quốc, thủ tướng Lý Quang Diệu đã lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Singapore sử dụng trong hệ thống giáo dục và hành chính nhà nước. Đó là lựa chọn mà theo ông là khó khăn và sáng suốt nhất trong trong cuộc đời. 
 
thu-tuong-ly-quang-dieu
Việc lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong giáo dục đem đến thành công cho Singapore
Theo thủ tướng Lý Quang Diệu, việc lựa chọn tiếng Anh trong chương trình học cho học sinh ngay từ đầu, không chỉ giúp người Singapore dễ dàng hơn trong việc giao tiếp với thế giới mà còn khiến họ học được cách suy nghĩ, cách tư duy của người phương Tây – thứ mà ông coi là cội rễ của sự khoa học và sáng tạo.