Chuyện cộng điểm thi đại học: Ghen tị với sự bất hạnh

“Nhưng, Thi ĐH là cuộc thi tuyển chọn ra những tài năng,những Cử nhân tương lai để xây dựng đất nước này Giàu mạnh hơn.”



Tôi đã đợi Facebooker Bồ Kết “kết bài” khi bạn làm một infographic dài nói về việc bất công trong việc cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi đại học.
Điểm đầu tiên và sai lầm nhất tôi nhận thấy của bộ infographic được thực hiện chính là coi cuộc thi đại học là một cuộc thi “tuyển chọn tài năng” – nghe rất hùng vĩ, và ghê gớm hơn là “xây dựng đất nước”. Thực ra đây chỉ là một cuộc thi dành cho những người có nhu cầu học cao hơn và đi theo một nghề ở bậc học đó. Nếu không học đại học, họ vẫn xây dựng đất nước như thường. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong quý I.2015 là nhóm có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000(*). Đất nước không có vẻ gì là giàu lên nhờ đám người thất nghiệp ưu việt rất đông này!
Trước khi nói đến chuyện điểm ưu tiên đang được những bạn sinh viên thành phố “hả hê” như trả được sự thù địch uất ức với những đứa ở quê điểm cộng cao quá trời, tôi sẽ kể một câu chuyện thế này.
Chừng 3 năm trước, tôi ra đảo Phú Quý chơi. Hòn đảo này cách bờ 8 giờ đi tàu cá, khoảng 4 -5 giờ nếu có tàu sắt lớn. Bạn tôi lớn lên từ nhỏ đến lớn ở đảo luôn than phiền đảo thì lớn, người đông, nhưng trình độ bác sĩ rất tệ. Bệnh gì cũng phải đi tàu vào đất liền khám, khám ở đảo không bao giờ yên tâm được. Sau đó, tôi có hỏi bác sĩ giám đốc bệnh viện. Ông giải thích về tình trạng bác sĩ thế này: ““Tôi may mắn có hai kỹ thuật viên gây mê rất giỏi, nhưng hai anh ấy hết công tác cũng đã về đất liền làm. Nhiều bác sĩ trẻ được cử ra đây công tác cũng cứ viện cớ ốm, một năm chỉ làm được vài tháng rồi bỏ về.”
Có câu chuyện được y tá truyền miệng là có bác sĩ ra đảo nhận công tác, ở được một tuần, sợ quá leo lên tàu trốn về đất liền.
Chuyện dạng này có thể kể thành hàng ngàn phiên bản, với những trường hợp là giáo viên ở thành thị, tốt nghiệp được yêu cầu đi công tác vùng dân tộc, vùng quê, vùng núi. Sự yếu kém, nghèo khó của cơ sở vật chất, hoàn toàn không có lối ra cho sự nghiệp hay cạnh tranh vươn lên đã khiến những cử nhân đại học sáng láng ở thành phố chẳng dại gì mà đâm đầu về miền quê, hay các vùng khó khăn, hiểm trở, dân tộc nghèo.
Vậy ta sẽ làm gì với những vùng đất đó? – Để họ nghèo cho chết luôn, hay để họ dốt đời đời, trông chờ lòng từ thiện của một người tốt nghiệp đại học thành thị và cao thượng nào đó về ban phát ân huệ, cung cấp văn hóa, ánh sáng, y tế cho người vùng khó khăn?
Thực ra có một cách khác để giảm đi khoảng cách ngày càng xa vời của bất công này, đó là chính sách giáo dục “kê” thêm nhiều nấc thang, để những người địa phương sinh sống cả đời và gắn liền nguồn gốc với khu vực nghèo khó có thêm cơ hội học tập. Khi kết thúc quá trình học tập chuyên môn, cơ hội họ quay về buôn làng, vùng núi dù cũng chẳng cao, nhưng sẽ không đến mức… trèo lên thuyền cao chạy xa bay như anh bác sĩ ở đảo kia.
Từ những hạt nhân được có thêm nấc thang học vấn đó, cộng đồng yếu thế như các nhóm dân tộc thiểu số, người nghèo, nông dân vùng núi… có thêm cơ hội cải thiện đời sống, được chăm sóc tốt hơn về y tế, giáo dục, mà không phải đợi chờ ân huệ từ đội quân lao động thành thị hào nhoáng kia.
Dễ nhìn thấy nhất điều này là các sinh viên hệ cử tuyển đại học từ các cộng đồng dân tộc thiểu số, hoặc cộng điểm khuyến khích thi đại học cho họ.
Nhìn từ quan điểm giảm hố sâu tri thức, bất bình đẳng do giàu – nghèo chi phối, rõ ràng cộng điểm đại học là một điều cần thiết để các sinh viên ở vùng bị thiệt thòi có cơ hội thay đổi cuộc đời họ, và làm tốt hơn cộng đồng quê nhà họ.
Tuy nhiên, hãy xem các luận điểm trong bộ hình infographic này:
****
“Bạn được cộng điểm vì gia đình bạn thuộc diện nghèo. Tôi không được cộng điểm vì bà tôi đóng góp 5.000 lượng vàng xây dựng tổ quốc.
Bạn được cộng điểm vì bạn ở nông thôn. Tôi không được cộng điểm vì tôi ở thành phố.
Bạn được cộng điểm vì bỗng một ngày cha bạn có giấy chứng nhận thương binh 81%. Tôi không được cộng điểm vì cha tôi là một người lính may mắn không bị thương tật trong chiến tranh. nhưng nhất định không chịu chạy giấy thương bệnh binh.
Bạn được cộng điểm vì bỗng một ngày bạn hô biến từ người Kinh thành người dân tộc. Tôi không được cộng điểm vì khi sinh ta tôi là người Kinh, đến khi thi đại học tôi vẫn là người Kinh.”
*****
Các trường hợp “bất công” và bức xúc được nhiều người ủng hộ nhất đều được thể hiện ở trên đây. Có thể kể tên gồm có: nghèo, nông thôn, cha là thương binh, người dân tộc”. Các giả định được nêu trong bộ hình gồm “bỗng 1 ngày cha bạn có giấy chứng nhận thương binh” (và nó có thể là giả), bà nội là bà Trịnh Văn Bô (góp 5000 lượng vàng), hô biến từ người Kinh thành người dân tộc. Tuy nhiên, rất tiếc, các giả định này lại xảy ra dưới hình thức được gọi là cá biệt, chỉ một vài, hay một số hành vi dựa trên phạm pháp mà có được.
Một chính sách không được xây dựng dựa trên một giả định cá nhân, xảy ra trong một gia đình hay do 1 kẻ phạm tội mà thành chính sách. Chính sách cộng điểm ưu tiên được xây dựng trên một cộng động người lớn, chịu ảnh hưởng hàng loạt bởi hoàn cảnh kinh tế, hoặc địa hình, xã hội gây ra. Chẳng thể nào có chuyện bỗng nhiên trong làng xuất hiện 1 tên cướp biết bay nên bây giờ ta sẽ xây dựng lưới nhện bao vây khắp quốc gia để phòng tránh bọn cướp biết bay. Cách lập luận về tình huống 5000 lượng vàng hay làm giả giấy chứng nhận thương binh được xếp vào nhóm cá biệt, không thể nào mấy chục ngàn thí sinh đi thi ai cũng làm giả giấy chứng nhận thương binh cho cha mình cả.
Tiếp theo, bạn ấy viết như vầy:
***
Bạn được cộng điểm vì bạn đạp xe 20km mỏi chân đến trường. Tôi không được cộng điểm vì tôi phải dậy từ 5h rồi sau đó đứng 2 tiếng tê chân trên xe vì không có chỗ ngồi và đón liên tục 3 chuyến bus mới tới được lớp
Bạn được cộng điểm vì một buổi đi học một buổi đi cày. Tôi không được cộng điểm vì một buổi đi học hai buổi lang thang khắp Sài Gòn bán vé số.
****

Lại một lần nữa, bạn dùng hình ảnh cá biệt và chủ quan để nói về một nhóm người ở khu vực cực rộng. Hãy lấy ví dụ một ngôi trường ở bản Sam Lang (Điện Biên) từng nổi danh vì… cho học sinh vào túi nylon qua suối Nậm Pồ để đến trường hàng ngày. Cô giáo Tòng Thị Minh từng quay lại clip và đăng trên báo Tuổi Trẻ. Hãy hỏi các bạn học sinh thành phố: Hàng ngày các bạn có qua suối không? Quê của bạn có lũ 6 tháng/năm không? Trường của bạn có bị bão thổi tốc mái 3 lần/mùa mưa không? Hoàn cảnh này không xảy ra vài ngày hay với vài em, mà nó xảy ra với mọi vùng núi, xa thành thị, đường xá kém cỏi, bão lụt liên hồi, nước lũ về đều đặn một năm vài tháng… cho vui.
Ở thành phố lớn, sự “khủng khiếp” nhất mà bạn mô tả chỉ là: “dậy từ 5h rồi sau đó đứng 2 tiếng tê chân trên xe vì không có chỗ ngồi và đón liên tục 3 chuyến bus mới tới được lớp”. Hãy tưởng tượng để tự so sánh nhóm đối tượng nào cần được ưu tiên về tính vùng miền nhé!
Nói tiếp đến chuyện hơn thua, chỉ cần 3000đ, một học sinh cấp 3 tại Sài Gòn có thể ra tiệm internet tìm một quyển sách miễn phí, download về đọc và học. Ở một vùng quê, em học sinh phải đi 15km để đến thị trấn, nơi có vài cái máy tính trong tiệm có internet chậm, và 3000đ đã là số tiền ăn cho một bữa ăn của bạn. Tệ hơn, ở các vùng nông thôn xa, vùng bản làng dân tộc, người học có khi kết thúc lớp 12 chưa biết máy tính là gì. Giờ học tiếng Anh, tin học của họ bị cắt giảm vì thiếu máy, máy hỏng hay giáo viên không đủ, giáo viên bỏ môn về thành phố… Đó chính là hố sâu giàu nghèo mà cái “nấc thang” cộng điểm phải đảm bảo để nâng đỡ họ - nhằm có lao động chất lượng cao hơn qua từng thời kỳ, cho các khu vực cực kỳ khó khăn.
Một chính sách không xây dựng dựa trên việc bạn đi xe bus mỏi chân quá, hay việc bà bạn góp 5000 lượng vàng, nó xây dựng cho một số đông dân cư, buộc phải tính đến những nhóm yếu thế hơn trong xã hội.
Cuối cùng để kết thúc bài này tôi trích lại ý của bạn: “Thi ĐH là cuộc thi tuyển chọn ra những tài năng,những Cử nhân tương lai để xây dựng đất nước này Giàu mạnh hơn. thước đo để chọn ra những tài năng chính là Kiến thức. Sự khác biệt giữa Đại học và trung học phổ thông là phổ thông là ai cũng được học, còn đại học là chỉ những người giỏi nhất trong hàng vạn người giỏi.”
Xin lỗi bạn là ý này của bạn sai rồi. Thi đại học chỉ là một kỳ thi đem lại cơ hội học chuyên môn cao hơn cho nhiều người. Có rất nhiều ngành điểm chuẩn chỉ 15 điểm (nghĩa là bạn được 5đ/môn là đậu rồi) ngay cả trong các đại học công và rất lớn, đâu có phải là chỗ cho mấy đứa giỏi nhất trong hàng vạn người giỏi đâu.
Mà cái đám người giỏi nhất trong hàng vạn người giỏi biết chơi Facebook, rồi làm infographic như bạn mà cũng đẻ ra tới 178k đứa thất nghiệp, thì tôi thật các bạn đi chết vì giỏi nhất trong hàng vạn người giỏi đi cho nó vinh dự.
Hén
Nguồn: Facebook tác giả Khải Đơn
===============================
Số liệu thất nghiệp quý 1/2015: (*)http://danviet.vn/…/vi-sao-bang-cap-cang-cao-cang-de-that-n…
Đọc thêm về phân tích của phóng viên giáo dục về các điểm sai trong quy định cộng điểm được bộ infographic nêu ra:https://www.facebook.com/khoanin/posts/10153558837509878:0