Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trong kiến trúc của di sản văn hóa Mỹ Sơn

Năm 1885, một học giả người Pháp tên là M.C Paris đã phát hiện ra khu đền tháp Mỹ Sơn với đường kính khoảng 2km nằm kín đáo trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng rậm rạp (nay thuộc địa phận xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70 km về hướng tây nam, cách thành phố Hội An khoảng 40km). Năm 1898-1899, hai học giả Pháp là L.Finot và L.De Lajonquiere đã đến Mỹ Sơn để nghiên cứu các văn bia, họ đã thống kê được khoảng 32 bi ký (chiếm hơn 1/5 trong tổng số các bi ký  của Vương Quốc Chămpa đã được phát hiện), trong đó có 16 bia ký cho biết tương đối chính xác niên đại của một số di tích. Kể từ đó, hàng loạt những công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về bia ký, kiến trúc và điêu khắc ở Mỹ Sơn đã ra đời, qua đó vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn.
thanh-dia-My-Son

Khu đền tháp ở Mỹ Sơn được xây dựng kéo dài hàng thiên niên kỷ bắt đầu từ thế kỷ IV bởi vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Sau đó thì các công trình đền tháp không được tiếp tục xây dựng ở Mỹ Sơn nữa mà chuyển xuống các khu vực phía nam). Đây là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Qua các khảo sát thực tế, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 20 đền tháp còn giữ được hình dạng.
Vốn là một quốc gia nằm ven biển, tiết diện lãnh thổ hẹp ngang, Chămpa có một nền văn hóa mang tính hướng ngoại. Điều này được phản ánh khá rõ nét trong kiến trúc của khu đền tháp Mỹ Sơn. Các đền tháp nơi đây cho thấy sự giao thoa của nhiều thành phần văn hóa khác nhau như văn hóa của người Indonesia, người Việt, người Khmer, người Ấn Độ… Trong đó, yếu tố văn hóa Ấn Độ là có tác động mạnh mẽ nhất.
Khu đền tháp là một quần thể công trình mang tính chất tôn giáo, cụ thể là Ấn Độ giáo. Mỹ Sơn là thánh địa Ấn độ giáo quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Các công trình được xây dựng lên không phục vụ cho đa số dân chúng mà chỉ dành cho tầng lớp giáo sĩ, quý tộc cao cấp. Khu đền tháp là nơi mà các giáo sĩ, quý tộc tế thờ, giao tiếp với các đấng thần linh. Nơi được chọn xây dựng các đền tháp là trong một thung lũng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và cách ly với cuộc sống dân dã. Theo nội dung một tấm bia có niên đại khá sớm ở Mỹ Sơn cho biết, vào khoảng cuối thế kỷ IV, một ngôi đền bằng gỗ đã được xây dựng để thờ thần Siva-Bhadresvara, trong đó có đoạn: "Bhadravarman dâng cho thần một vùng đất vĩnh viễn; phía đông là núi Sulaha, phía nam là đại Sơn Mahaparvata, phía tây là núi Kucaka, phía bắc là... (làm giới hạn). Ruộng đất trong phạm vi đó thì dâng với cả dân cư. Hoa lợi của khu đất này thì phải dâng lên thần...”.
Cũng giống như các đền tháp Chămpa khác, đền tháp ở Mỹ Sơn mang đặc điểm là một cụm kiến trúc, được xây dựng theo khái niệm vũ trụ luận của Ấn Độ, bao gồm:
- Đền thờ chính (tiếng Chăm là Kalan) nằm ở vị trí trung tâm, thông thường có một cửa ra vào ở hướng đông, nơi thờ vị thần chính (Siva), tượng trưng cho ngọn núi Mêru, nơi ngự trị của thần linh;
- Tháp cổng (Gopura) nằm ngay phía trước đền thờ chính, có hai cửa thông nhau ở hướng Đông và hướng Tây;
- Mandapa là ngôi nhà dài tiếp theo tháp cổng, thường được sử dụng để làm nơi đón tiếp khách hành hương, tiếp nhận lễ vật;
- Cạnh đền thờ chính là ngôi tháp Kosagraha, có một hoặc hai phòng cửa ra vào ở hướng Bắc, thường được sử dụng để làm nơi cất giữ các đồ tế lễ;
- Ngoài ra, quanh đền thờ chính còn có những tháp phụ, để thờ các vị thần phương hướng (Dikpalaka), các vị thần tinh tú (Grahas), hoặc các vị thần phụ, như Skanda, Ganesa,...
Các tháp mang đặc điểm chung là xây bằng gạch, có bốn mặt hình vuông đối xứng nhau. Mặt trước hướng về phía đông, hướng mặt trời mọc, có cửa ra vào còn ba mặt còn lại ở ba hướng (tây, nam, bắc) có ba cửa giả. Các tháp thường có ba tầng được cấu trúc như nhau, mỗi tầng càng lên cao càng thu nhỏ dần, tạo hình búp sen tỏ lòng thành kính thần linh và hoài niệm tổ tiên. Không gian bên trong tháp chật hẹp, tường mỏng ở đáy nhưng càng lên cao càng dày (trên đỉnh tháp có thể dày tới gần 3m).
den-thap-My-Son

Căn cứ vào vị trí phân bố của các tháp, một học giả Pháp là H. Parmentier đã đặt tên cho các tháp theo mẫu tự Latin:
- Nhóm A: gồm 13 đền tháp (từ A1 đến A13) nằm ở phía Đông - Nam thung lũng Mỹ Sơn;
Ngôi đền chính (Kalan) A1 (hiện không còn do bị bom Mỹ đánh sập năm 1969) được các nhà nghiên cứu đánh giá là kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Chămpa, cũng là công trình cho thấy rõ ràng về ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Theo bản vẽ và khảo tả của H.Parmentier, tháp A1 cao 24 m, mỗi cạnh 10m, có hai cửa ra vào hướng đông và tây, thân tháp cao vút, thon thả. Mỗi mặt tường có năm trụ ốp, các trụ ốp tường có một đường rãnh sâu ở giữa chạy suốt từ chân đến đỉnh trụ, các trụ gạch này được chạm các dải hoa văn cành lá cách điệu, bố trí thành những hình chữ S nối tiếp nhau. Trên các mặt tường giữa các trụ ốp cũng được chạm những tràng cành lá uốn cong. Trên hai mặt tường phía nam và phía bắc có các cửa giả nhô ra, được tạo nên bởi hai trụ hình chữ nhật đỡ lấy một vòm cuốn cong và nhọn ở trên đỉnh, bên trong ô cửa giả có hình một người đứng chắp tay được chạm thẳng vào tường gạch. Mái tháp gồm ba tầng thu nhỏ dần lên trên, tầng trên được mô phỏng theo tầng dưới, ở bốn góc của mái trang trí những hình tháp thu nhỏ. Trên đỉnh là một chóp tháp bằng sa thạch. Chân tháp được trang trí những đường gờ kỷ hà dạng những tầng sen cách điệu, kết hợp với những hình người, voi, Garuda... chạm trên gạch rất sống động. Sự kết hợp giữa khối kiến trúc đồ sộ nhưng dáng vẻ nhẹ nhàng thanh thoát với nghệ thuật điêu khắc tinh tế trên gạch và đá, những tràng cành lá mềm mại, những hình người và động vật... đã hình thành nên một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật Chămpa vào thế kỷ X - phong cách Mỹ Sơn A1.
Quanh đền thờ A1 có 6 tháp nhỏ, ký hiệu từ A2 đến A7, thờ các vị thần Phương hướng (Dikpalaka) :
+) Tháp A2 : hướng tây-nam, thờ thần Brahma - Đấng sáng tạo thế gian.
+)  Tháp A3 : hướng nam, thờ Diêm Vương Yama.
+) Tháp A4 : hướng đông-nam, thờ thần lửa Agni.
+) Tháp A5 : hướng đông-bắc, thờ thần Isana (một tên khác của thần Siva).
+) Tháp A6 : hướng bắc, thờ thần Tài lộc Kuvera.
+) Tháp A7 : hướng tây-bắc, thờ thần Gió Vayu.
+) Tháp A8 : là tháp cổng (Gopura) của đền thờ A1.
+) Tháp A9 : ngôi nhà dài để đón khách hành hương (Mandapa).
+) Tháp A10 : nằm ở phía bắc tháp A1, là một ngôi đền khá lớn, cũng đã bị sập trong chiến tranh, hoa văn trang trí trên tường tháp là những cành lá cách điệu xoắn xít dạng vết sâu bò.
+) Các tháp từ A11 đến A13 là các tháp phụ, làm dùng nơi cất giữ đồ tế lễ hoặc thờ các vị thần khác.
- Nhóm A': gồm 4 tháp, nằm ở phía Nam của nhóm A. Đây là những đền thờ nhỏ, tất cả các tháp đều có cửa ra vào ở hướng Tây, quay về phía khu trung tâm;
- Nhóm B: gồm 14 tháp.
+) Tháp B1 : là ngôi đền chính của nhóm B, hiện nay chỉ còn lại phần chân tháp bằng sa thạch, gồm nhiều tảng đá vuông vức ghép lại với nhau.
+) B2 là tháp cổng của đền thờ B1.
+) B3 là đền thờ thần Ganesa - thần Hạnh phúc. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hình ảnh của tháp A1 thu nhỏ.
+) Tháp B4 thờ thần Skanda - vị thần chiến tranh, con trai cả của thần Siva.
+) Tháp B5 (có niên đại khoảng thế kỷ X), là nơi cất giữ đồ cúng tế của nhóm tháp B, mặc dù là công trình phụ, nhưng đây là tháp đẹp nhất trong nhóm B. Tháp có mặt bằng hình chữ nhật, kéo dài theo trục đông-tây; cửa ra vào ở hướng bắc, nằm ở phần nửa mặt từng ở phía tây. Trên tường tháp chạm những dải hoa văn hình cành lá cuộn tròn liên hoàn, trong những ô cửa giả có hình người đứng chắp tay được chạm trên tường gạch, đầu tượng được làm bằng sa thạch. Trên mặt tường phía đông và tây, mỗi bên trổ một ô cửa sổ, song cửa sổ là ba trụ đá hình con tiện, phía trên cửa sổ có vòm cuốn, bên trong mỗi vòm cuốn chạm hình hai con voi đứng đấu vòi dưới một tán cây. Mái tháp là một tầng thu nhỏ mô phỏng phần thân tháp, đỉnh tháp cong hình thuyền (hoặc hình yên ngựa), được xếp bằng gạch.
+) Tháp B6 nằm đối diện tháp B5, cửa ra vào ở hướng nam. Trong tháp có một bồn nước cạn hình ô-van, được làm bằng sa thạch. Trên vòm cửa ra vào có hình thần Vishnu ngồi trên lưng rắn thần Naga, rắn có 13 đầu vươn lên che phía trên thần Vishnu.
+) Các tháp nhỏ chung quanh từ B7 đến B13 là tháp thờ các vị thần Tinh tú (Grahas), gồm có thần Mặt trời Surya, thần Mặt trăng Sandra, thần Sao Hỏa Agni, thần Sao Thuỷ Varuna, thần Sao Mộc Indra, thần Sao Kim Isana và thần Sao Thổ Yama. Chúng cũng tượng trưng có 7 ngày trong tuần theo lịch Saka của vùng Nam Ấn Độ.
- Nhóm C: gồm 7 tháp, nằm ở hướng Bắc nhóm B.
+) Tháp C1 là đền thờ chính của nhóm C, có tiền sảnh khá dài, mái tháp và mái tiền sảnh đều cong hình thuyền chứ không phải là mái nhọn nhiều tầng như các Kalan khác. Trên hai mặt tường phía nam và bắc có các trụ ốp tường và các ô cửa giả, trong các ô cửa giả là những hình người đứng chắp tay được tạc vào tường gạch. Bên trong tháp thờ một bộ Linga - Yoni nhỏ. Tại đây trước kia người ta cũng tìm được một pho tượng thần Siva đứng, phản ánh một kiểu thờ cúng khá đặc biệt tại Thánh địa Mỹ Sơn: vừa thờ tượng chân dung của một vị vua Champa dưới hình ảnh thần Siva, vừa thờ Linga của thần.
+) Tháp C2 là tháp cổng của đền thờ C1.
+) Tháp C3 được dùng làm nơi cất giữ đồ cúng tế, cửa ra vào ở hướng bắc.

+) Các tháp C4, C5, C6 là những tháp phụ xếp thành một hàng theo trục đông - tây.
+) Tháp C7 là một trong các tháp có niên đại sớm nhất còn tồn tại ở Mỹ Sơn. Ngôi tháp này thuộc dạng tháp lùn, trong tháp có một bệ thờ Linga-Yoni nhỏ.
- Nhóm D: gồm 6 tháp, nằm ở phía Đông nhóm B và C. Trong nhóm này, riêng hai tháp D1 và D2 không được làm theo kiểu truyền thống của kiến trúc Chămpa, mà có mặt bằng hình chữ nhật, cửa ra vào ở hai đầu hồi nhà hướng Đông và hướng Tây.
- Nhóm E: gồm 9 tháp, nằm ở phía Bắc nhóm A và nhóm G, bao gồm:
+ Đền thờ E1: có cửa ra vào ở hướng Tây, mặt bằng đền (tháp) hình vuông, 4 góc có 4 trụ đá, được điêu khắc khá đẹp. Trên mi cửa có một bức phù điêu bằng sa thạch, thể hiện cảnh “Đản sinh Brahma”. Bên trong ngôi đền E1 có một đài thờ lớn, được làm bằng những khối sa thạch ghép lại với nhau, chạm trổ rất tinh tế, thể hiện những cảnh múa lụa, đánh đàn, thổi sáo, những cảnh sinh hoạt của các tu sĩ Bà-la-môn, như luyện thuốc chữa bệnh...
+ Tháp E2: là tháp cổng của đền thờ E1.
+ Tháp E3: là nơi chuẩn bị đồ tế lễ.
+ Tháp E4: là tháp phụ, nằm cạnh tháp E1 về phía Bắc.
+ Tháp E5 và E6: là hai tháp phụ, xếp thành một hàng dọc, ở phía Nam tháp E1. Năm 1903, tại tháp E5, đã phát hiện một pho tượng thần Ganesa đứng, có 4 tay, niên đại khoảng cuối thế kỷ VII - đầu thế kỷ VIII. Đây là một tác phẩm rất hiếm trong nền nghệ thuật Ấn Độ giáo .  
+ Tháp E7: là nơi cất giữ đồ tế lễ của nhóm E. Mái tháp cong hình thuyền, kéo dài theo trục Đông - Tây, cửa ra vào ở hướng Bắc.
+ Tháp E8 và E9: là hai tháp nhỏ, ở góc Đông Bắc, phía sau tháp E4, hiện chỉ còn một vài dấu tích nền móng.
- Nhóm F: gồm có ba công trình kiến trúc, nằm ở phía bắc nhóm E. Đây là một tổng thể tháp đơn giản, với tháp chính F1, tháp cổng F2 và một tháp phụ nhỏ F3 nằm ở phía nam tháp F1. Đền thờ F1 có cửa ra vào ở hướng tây, trụ ốp tường dạng tròn, không trang trí hoa văn. Chân tháp có nhiều đường gờ chồng lên nhau, trang trí bằng những họa tiết cánh sen, hình vuông và hình tam giác. Trên đầu cột của những cửa giả có hình mặt Kala.
- Nhóm G: gồm 5 tháp, nằm trên một ngọn đồi thấp - giữa nhóm A và nhóm E. Hiện nay, chỉ còn lại đền thờ G1, với cửa chính mở về hướng Tây. Trên các cửa ra vào và cửa giả có các vòm cuốn hình mũi giáo, trang trí phù điêu nữ thần Laksmi. Thân tháp trang trí những mặt Kala. Góc tháp có tượng sư tử bằng sa thạch.
 - Nhóm H: gồm 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi thấp phía Tây - Bắc nhóm B, C, D. Đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện một bức phù điêu lớn, hình thần Shiva.
-  Nhóm K: nằm cách xa nhóm E, F về phía bắc, bị hư hại khá nặng, tháp có vòm cửa hình mũi giáo đặt trên hai trụ gạch không trang trí hoa văn, trên vòm cửa giả có gắn một bức phù điêu bằng sa thạch chạm hình thần Brahma có 2 tay và 3 đầu (theo thần thoại, thần Brahma có 4 đầu, nhưng chiếc đầu thứ 4 không thể hiện trên phù điêu được).
- Các nhóm tháp L, M, N nằm riêng lẻ, cách xa khu trung tâm, tất cả đã bị sụp đổ từ lâu.
Như vậy, qua những công trình kiến trúc còn tồn tại ở di tích văn hóa Mỹ Sơn, chúng ta có thể thấy những biểu hiện của sự giao lưu giữa các nền văn hóa, đặc biệt là sự kết tinh rực rỡ của các yếu tố văn hóa của nền văn minh Ấn Độ trên mảnh đất thánh địa này. Tuy nhiên, những người Champa không tiếp thu, sao chép một cách nguyên vẹn mà luôn cải biên sáng tạo trên cơ sở văn hoá bản địa. Người Chăm một thời tôn thờ, đề cao Siva Ấn Độ nhưng Siva của người Chăm không giống Siva Ấn Độ, Siva Chăm vẫn hướng về nữ tính, gần gũi với tín ngưỡng thờ mẫu của người Chăm và luôn kết hợp với Linga – Yoni (tín ngưỡng phồn thực). Về sau tục thờ Siva được gắn với tục thờ Vua - Thần (Mukhalinga). Điều đó thể hiện được tính bản địa - một cá tính riêng trong tục thờ thần của người Chăm. Cũng như các mẫu đề điêu khắc, kiến trúc Chăm luôn dựa vào môtíp của Ấn giáo để rồi biến hoá thành cái riêng mình. Chẳng hạn tháp Chăm hầu như xây bằng gạch, chứ không xây bằng đá như tháp Ấn Độ. Các tháp Chăm hướng về hình khối đơn giản, không qui mô bề thế như các tháp vốn cũng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo như ở Ấn Độ, đền tháp Ăngko (Campuchia), tháp Borobudur (Indonesia). Tháp Chăm luôn hướng về sự cân xứng, đẹp mắt, vừa độc đáo vừa có cá tính, kĩ thuật, bí quyết riêng mà đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Đó là thành tựu, là nét bản sắc riêng biệt, cho thấy sự tiếp biến văn hóa tài tình, sức sáng tạo, tài ba độc đáo của những nhà kiến trúc, điêu khắc Chăm xưa.