MỘT SỐ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ MÀ VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT HOẶC GIA NHẬP
I. NHẬN XÉT CHUNG
1. Ngày nay, hợp tác quốc
tế, tương trợ lẫn nhau giữa các nước, các nền kinh tế trong các lĩnh vực khác
nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp luật đã trở thành nhu
cầu nội tại của bản thân mỗi quốc gia.
Trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và thế giới, nước ta đã đạt được những
thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh quốc
phòng, hoạt động pháp luật và tư pháp.
Những năm qua, số lượng công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất nhập
cảnh Việt Nam ngày càng tăng. Các quan hệ pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia
đình, lao động, kinh tế, thương mại, hình sự, các quan hệ pháp luật tố tụng dân
sự, tố tụng hình sự...có yếu tố nước ngoài cũng do vậy có xu hướng ngày càng
phức tạp. Tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng diễn biến ngày càng phức
tạp hơn, đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời với sự giúp đỡ, tương trợ về
pháp luật và tư pháp giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam và các cơ quan có thẩm
quyền của các nước liên quan.
2. Nhu cầu hội nhập quốc
tế ngày nay đã trở thành một đòi hỏi có tính tất yếu khách quan của mọi quốc
gia trong tiến trình phát triển. Quá trình hội nhập quốc tế ở các nước nói
chung và ở Việt Nam nói riêng đòi hỏi hệ thống pháp luật ngày phải hòan chỉnh,
đáp ứng việc điều chỉnh đầy đủ các quan hệ xã hội phát sinh, hỗ trợ cho sự phát
triển mạnh mẽ hơn của đất nước. Điều đó cũng có nghĩa đi đôi với việc hòan
thiện hệ thống pháp luật phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, hội nhập quốc tế, thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng,
trong đó các quy định pháp luật về tương trợ tư pháp là nhu cầu cấp bách nhằm
hỗ trợ cho các cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước liên quan đảm bảo giải
quyết có hiệu quả các vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh trong quá trình
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện
tốt nhiệm vụ “phải tiếp tục củng cố và tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp
giữa Việt Nam với các nước trong thời kỳ mới, phải mở rộng quan hệ quốc tế về
tương trợ tư pháp, về phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội” mà các văn
kiện của Đảng và Nhà nước đã nhấn mạnh.
3. Trong thực tiễn quan hệ
quốc tế, các nước thực hiện tương trợ tư pháp cho nhau chủ yếu trên cơ sở các
điều ước quốc tế (điều ước song phương hoặc đa phương). Tuy vậy, không phải lúc
nào các nước cũng có thể ký được với nhau những điều ước quốc tế như vậy. Trong
trường hợp không có điều ước quốc tế, các nước thường áp dụng các nguyên tắc
của luật tập quán quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc có đi có lại được xác định
qua thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp giữa các nước hữu quan.
Các hoạt động tương trợ tư
pháp của Việt Nam với các nước đã có khá sớm. Trong lĩnh vực pháp luật hình sự,
từ năm 1980 đến nay, bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, các
hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam với các nước còn được thực
hiện trên cơ sở hiệp định tương trợ tư pháp được ký kể giữa Nhà nước ta với
nước ngoài liên quan. Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với
các nước còn được tiến hành trên cơ sở các thỏa thuận liên chính phủ, liên
ngành, kể cả hợp tác giữa các cơ quan cảnh sát quốc tế theo Quy chế Interpol.
Trong các văn bản điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự thường quy định
các nguyên tắc hợp tác, tương trợ tư pháp quốc tế trong lĩnh vực hình sự; các
quy định về quy tắc giải quyết xung đột pháp luật và xung đột quyền tài phán
hình sự quốc tế thông qua các quy tắc xung đột luật hoặc các quy tắc nhất thể
hóa luật (quy tắc luật thực chất thống nhất) quy định về những vấn đề liên quan;
các quy định về hồ sơ ủy thác tư pháp, về trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ
tư pháp về hình sự; về các trường hợp phải từ chối và các trường hợp có thể từ
chối thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp quốc tế của nước ngoài; các quy định
về dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù tại một nước này cho nước khác để
cung cấp chứng cứ tư pháp; quy định liên quan đến cung cấp thông tin, sử dụng
thông tin, chứng cứ trong tố tụng hình sự quốc tế; các quy định liên quan đến
chi phí cho việc thực hiện các ủy thác tư pháp hình sự quốc tế; các quy định về
bảo vệ nhân chứng, người giám định trong tố tụng hình sự quốc tế; chuyển giao
hồ sơ, vật chứng của vụ án; việc giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật, tiền
liên quan đến vụ án...
Một phần quan trọng của
các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự đó là các quy định hợp tác giữa các
nước về các vấn đề dẫn độ và các quy định hợp tác giữa các nước về chuyển giao
người đang chấp hành hình phạt tù để thi hành bản án hình sự tại nước mà người
đó có quốc tịch. Phần các quy định cụ thể về các vấn đề dẫn độ trong các điều
ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự thường là các quy định về các nguyên tắc
tương trợ tư pháp quốc tế về các vấn đề dẫn độ; các quy định về hồ sơ yêu cầu
dẫn độ; các trường hợp bị dẫn độ; các trường hợp dẫn độ để truy cứu trách nhiệm
hình sự hoặc thi hành án, dẫn độ cho nước thứ ba; từ chối dẫn độ cho nước
ngoài; các trường hợp phải có biện pháp ngăn chặn để dẫn độ; trình tự, thủ tục
quyết định việc dẫn độ, thi hành quyết định dẫn độ; chuyển giao hồ sơ, vật
chứng liên quan trực tiếp đến người bị dẫn độ; việc giao nhận, chuyển giao tài
liệu, đồ vật, tiền liên quan đến việc dẫn độ; các quy định liên quan đến chi
phí cho việc thực hiện các ủy thác tư pháp quốc tế...Phần các quy định cụ thể
trong tương trợ tư pháp quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt
tù trong các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự thường là các quy định về
các căn cứ để chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; điều kiện tiếp
nhận, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; các trường hợp từ chối
chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; hồ sơ, các giấy tờ, tài liệu cần
có khi chuyển giao người; nguyên tắc nhân đạo hóa hình phạt và phạm vi áp dụng
nguyên tắc đó trong quyết định chuyển giao người; áp giải người được chuyển
giao; chi phí về việc chuyển giao người...
4. Có nhiều điều ước quốc tế đa phương trong
lĩnh vực hình sự quốc tế. Theo thông tin của Liên Hợp quốc[1],
a, các điều ước quốc tế trực
tiếp về các vấn đề hình sự (Penal Matters) được đăng ký lưu chiểu tại Liên Hợp
quốc hiện có 19 văn bản quan trọng sau:
- Nghị định thư năm 1953 bổ sung
Công ước về Nô lệ năm 1926;
- Công ước về Nô lệ năm 1926 được sửa đổi năm 1953 (Việt Nam cộng hòa gia nhập ngày 14.8.1956);
- Công ước về Nô lệ năm 1926;
- Công ước bổ sung năm 1956 về Loại bỏ chế độ buôn bán nô lệ và thực tiễn
tương tự chế độ nô lệ;
- Công ước năm 1979 về việc bắt giữ con tin;
- Công ước năm 1989 chống tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và huấn luyện lính
đánh thuê;
- Công ước năm 1973 ngăn ngừa và trừng trị tội phạm
chống người được quốc tế bảo hộ, kể cả chống lại các nhà ngoại giao (Việt
Nam gia nhập 02.5. 2002);
- Công ước năm 1994 về an ninh
cho Liên Hợp quốc và các nhân viên của Liên Hợp quốc;
- Nghị định thư năm 2005 về Công ước về an ninh cho Liên Hợp quốc và các
nhân viên của Liên Hợp quốc;
- Công ước năm 1997 loại trừ đánh bom khủng bố;
- Quy chế Rôm năm 1998 về Tòa án hình sự quốc tế ;
- Công ước năm 1999 loại trừ tài trợ cho chế độ khủng bố (Việt Nam gia nhập ngày 25.9.2002);
- Công ước năm 2000 chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam ký năm 2000, chưa phê chuẩn );
- Nghị định thư bổ sung năm 2000 của Công ước chống tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia về phần ngăn ngừa, loại trừ và trừng phạt buôn bán người, đặc
biệt là phụ nữ và trẻ em;
- Nghị định thư bổ sung năm 2000 của Công ước chống tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia về phần chống dân di cư buôn lậu bằng đường bộ, đường biển và
hàng không;
- Nghị định thư bổ sung năm 2001 của Công ước chống tội phạm có tổ chức
xuyên quốc gia về phần chống sản xuất và buôn bán trái phép vũ khí, các bộ
phận, linh kiện và đạn dược của vũ khí quân dụng;
- Hiệp định năm 2002 về ưư đãi, miễn trừ của Tòa án hình sự quốc tế;
- Công ước năm 2003 chống tham nhũng (Việt
Nam ký 10.12.2003, có hiệu lực từ 19.8.2009);
- Công ước năm 2005 về loại trừ hành vi khủng bố hạt nhân.
b, Các điều ước quốc tế liên
quan đến các vấn đề hình sự theo phân loại của Liên Hợp quốc được đăng ký lưu
chiểu tại Liên Hợp quốc hiện có 22 điều ước quốc tế về các chất ma túy và các
chất hướng thần (Narcotic Drugs and Psychotropic Substances) là:
- Nghị định thư New York ngày
11.12.1946 bổ sung các Hiệp định, Công ước và các Nghị định thư về các chất ma
túy được ký kết tại La Haye ngày 23.01.1912, tại Geneva ngày 11.02.1925, và
ngày 19.02.1925, và ngày 13.7.1931, tại Băng cốc ngày 27.11.1931 và tại Geneva
ngày 26.6.1936;
- Công ước La Haye ngày 23.01.1912
về Thuốc phiện;
- Hiệp định New York ngày
11.12.1946 sửa đổi Hiệp định Geneva ngày 11.02.1925 về việc chấm dứt sản xuất,
mua bán và sử dụng Thuốc phiện;
- Hiệp định Geneva ngày 11.02.1925
về việc chấm dứt sản xuất, mua bán và sử dụng Thuốc phiện;
- Nghị định thư Geneva ngày
19.02.1925 đính kèm Hiệp định Geneva ngày 11.02.1925 về việc chấm dứt sản xuất,
mua bán và sử dụng Thuốc phiện;
- Công ước Geneva ngày 13.7.1931 và
New York ngày 11.12.1946 về hạn chế sản xuất và quản lý việc phân phối các chất
ma túy;
- Công ước Geneva ngày 13.7.1931 về
hạn chế sản xuất và quản lý việc phân phối các chất ma túy;
- Nghị định thư Geneva ngày
13.7.1931 đính kèm Công ước Geneva ngày 13.7.1931 về hạn chế sản xuất và quản
lý việc phân phối các chất ma túy;
-
Hiệp định Bang cốc ngày 27.11.1931 và New York ngày 11.12.1946 về việc
chấm dứt hút Thuốc phiện;
- Hiệp định Bang cốc ngày
27.11.1931 về việc chấm dứt hút Thuốc phiện;
- Công ước Geneva ngày 26.6.1936 và
New York ngày 11.12.1946 về chấm dứt buôn bán bất hợp pháp các chất ma
túy;
- Công ước Geneva ngày 26.6.1936 về
chấm dứt buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy;
- Nghị định thư Geneva ngày
26.6.1936 đính kèm Công ước Geneva ngày 26.6.1936 về chấm dứt buôn bán bất hợp
pháp các chất ma túy;
- Nghị định thư Paris ngày
19.11.1948 về các chất ma túy cần kiểm soát quốc tế ngoài phạm vi Công ước New York ngày 13.7.1931 về hạn chế
sản xuất và quản lý việc phân phối các chất ma túy được bổ sung bởi Nghị định
thư New York ngày 11.12.1946;
- Nghị định thư New York ngày
23.6.1953 về việc hạn chế và quản lý việc trồng cây Anh túc, sản xuất, bán buôn
và sử dụng Thuốc phiện;
- Công ước New York ngày 21.02.1961
thống nhất về các chất ma túy;
- Công ước Viên ngày 21.02.1971 về
các chất hướng thần (Việt Nam gia nhập
ngày 04.11.1997);
- Nghị định thư Geneva ngày
25.03.1972 bổ sung Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma
túy;
- Công ước New York ngày 08.8.1975
thống nhất Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy được
bổ sung bởi Nghị định thư Geneva ngày 25.03.1972 bổ sung Công ước New York ngày
21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy (Việt
Nam gia nhập ngày 04.11.1997);
- Công ước Viên ngày 20.12.1988
chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất hướng thần (Việt Nam gia nhập ngày 04.11.1997).
c, Các điều ước quốc tế liên
quan đến các vấn đề hình sự theo phân loại của Liên Hợp quốc được đăng ký lưu
chiểu tại Liên Hợp quốc hiện có 12 điều ước quốc tế về buôn bán người (Traffic
in Persons) sau:
- Nghị định thư New York ngày
12.11.1947 bổ sung Công ước Geneva ngày
30.9.1921 về chấm dứt việc buôn bán phụ nữ và trẻ em và Công ước Geneva ngày 11.10.1933 về chấm dứt việc buôn
bán phụ nữ thành niên;
- Công ước Geneva ngày 30.9.1921 về chấm dứt việc buôn
bán phụ nữ và trẻ em đã được bổ sung bởi Nghị định thư New York ngày
12.11.1947;
- Công ước Geneva ngày 30.9.1921 về chấm dứt việc buôn
bán phụ nữ và trẻ em;
- Công ước Geneva ngày 11.10.1933 về chấm dứt việc buôn
bán phụ nữ thành niên đã được bổ sung bởi Nghị định thư New York ngày
12.11.1947;
- Công ước Geneva ngày 11.10.1933 về chấm dứt việc buôn
bán phụ nữ thành niên;
- Nghị định thư New York ngày
04.5.1949 bổ sung Hiệp định Paris ngày 18.5.1904 về chấm dứt việc buôn bán nô
lệ da trắng và Hiệp định Paris ngày 04.5.1910 về chấm dứt việc buôn bán nô lệ
da trắng;
- Hiệp định Paris ngày 18.5.1904 về
chấm dứt việc buôn bán nô lệ da trắng đã được bổ sung bởi Nghị định thư New
York ngày 04.5.1949;
-
Hiệp định Paris ngày 18.5.1904 về chấm dứt việc buôn bán nô lệ da trắng;
- Hiệp định Paris ngày 04.5.1910 về
chấm dứt việc buôn bán nô lệ da trắng đã được bổ sung bởi Nghị định thư New
York ngày 04.5.1949;
- Hiệp định Paris ngày 04.5.1910 về
chấm dứt việc buôn bán nô lệ da trắng;
- Công ước New York ngày 21.3.1950
về chấm dứt việc buôn bán người và bóc lột gái điếm;
- Nghị định thư cuối cùng ngày
21.3.1950 của Công ước New York ngày 21.3.1950 về chấm dứt việc buôn bán người
và bóc lột gái điếm.
Ngoài ra, Liên Hợp quốc còn có nhiều văn kiện, tài liệu hướng dẫn quan
trọng trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Trong số đó phải nói đến Công ước mẫu
của Liên Hợp quốc năm 1990 về thực hiện các ủy thác tư pháp hình sự, Công ước mẫu
của Liên Hợp quốc về dẫn độ tội phạm, Công ước mẫu của Liên Hợp quốc về chuyển
giao người đang chấp hành hình phạt tù... Trong phạm vi các khu vực, các nước trong
khu vực cũng ký kết với nhau các điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Các nước
ASEAN có ký với nhau một Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Trong phạm vi bài giới thiệu này, chúng tôi chỉ tập trung vào một số nội
dung cơ bản của các điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong lĩnh vực hình
sự mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập sau đây.
II. NỘI DUNG MỘT SỐ
ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ ĐA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC HÌNH SỰ MÀ VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT HOẶC
GIA NHẬP
1. CÔNG ƯỚC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
Công ước được Đại Hội đồng LHQ thông
qua ngày 31.10.2003 tại Trụ sở LHQ ở New York. Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên LHQ ký
từ ngày 09 đến ngày 11.12.2003 tại Merida, Mexico, và sau đó là tại Trụ sở LHQ ở New York đến ngày 09.12.2005. Công ước
cũng được mở cho tất cả các tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế khu vực ký nếu tổ
chức đó có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này. Ngày
10.12.2003,Việt Nam đã ký Công ước với bảo lưu sau:“Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam không bị ràng buộc bởi quy định tại
Điều 66 khoản 2 của Công ước này”. Ngoài
ra, Việt Nam cũng tuyên bố: “1. Tuân theo
các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, CHXHCN Việt Nam tuyên bố Việt Nam không
bị ràng buộc bởi các quy định liên quan đến việc hình sự hóa các hành vi làm
giàu bất hợp pháp được định tại Điều 20 và vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp
nhân được quy định tại Điều 26 của Công ước chống tham nhũng. 2. CHXHCN Việt
Nam tuyên bố rằng các quy định của Công ước chống tham là không tự thực thi;
việc thực hiện các quy định đó của Công ước phải phù hợp với các nguyên tắc của
Hiến pháp và pháp luật thực định của CHXHCN Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định
hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia khác và nguyên tắc có đi có
lại. Phù hợp với Điều 44 của Công ước này.CHXHCN Việt Nam tuyên bố Việt Nam không lấy Công ước làm cơ sở
pháp lý để dẫn độ. CHXHCN Việt Nam dẫn độ phù hợp với pháp luật Việt Nam, trên
cơ sở các hiệp định dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại”.
Ngày
14.12.2005, Công ước có hiệu lực thi hành, có 143 nước là thành viên (đến ngày
22.02.2010). Ngày 19.8.2009, Công ước này có hiệu lực thi
hành đối với Việt Nam .
Công ước gồm có: Lời nói đầu, 8 chương, 71 điều, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung; Chương II: Các biện pháp phòng ngừa; Chương
III: Hình sự hoá và thực thi pháp luật; Chương IV: Hợp tác quốc tế; Chương V:
Thu hồi tài sản; Chương VI: Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin; Chương VII:
Các cơ chế thi hành Công ước; Chương VIII: Các điều khoản cuối cùng.
Lời nói đầu của Công ước ghi nhận tính chất nguy hiểm,
mức độ nghiêm trọng và những hậu quả tiêu cực của tham nhũng đối với các giá
trị dân chủ, nguyên tắc pháp quyền và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia
cũng như cộng đồng quốc tế. Các quốc gia cần quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và
xử lý tham nhũng bằng hệ thống các biện pháp toàn diện, đa dạng và hữu hiệu.
Đồng thời, các quốc gia thành viên Công ước cần tăng cường hợp tác quốc tế về
phòng, chống tham nhũng thông qua hợp tác điều tra, truy tố, trao đổi thông
tin, thu hồi tài sản, trợ giúp kỹ thuật, gồm cả hỗ trợ tăng cường năng lực xây
dựng thể chế.
1.2. Những quy định chung
a,
Mục đích của Công ước
Mục đích chung nhất của Công ước là hình thành một khuôn
khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống
tham nhũng thông qua hệ thống các biện pháp phòng, chống hữu hiệu. Điều 1 Công
ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường
các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả
hơn…Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật
trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.
b,
Phạm vi của Công ước
Theo quy định tại Điều 3 Công ước, phạm vi áp
dụng của Công ước bao trùm tất cả các lĩnh vực của công tác chống tham nhũng,
gồm: phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong toả, tạm giữ, tịch
thu và hoàn trả tài sản có được do phạm các tội quy định trong Công ước. Điều
này phản ánh mong muốn của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng, thực thi Công
ước chống tham nhũng Liên Hợp quốc như một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn
diện, hệ thống, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng
của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.
c,
Vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia
Tham nhũng là một vấn đề tương đối nhạy cảm,
luôn có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động quản lý Nhà nước. Việc hợp tác quốc
tế về phòng, chống tham nhũng tiềm ẩn nguy cơ chủ quyền quốc gia có thể bị ảnh
hưởng, hoặc công việc nội bộ của quốc gia bị can thiệp. Do vậy, để đảm bảo hợp
tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng thật sự vì mục đích phòng ngừa, phát
hiện, xử lý và khắc phục hậu quả tham nhũng, tránh sự lợi dụng nhằm các mục
đích gây ảnh hưởng, can thiệp công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ của quốc gia, Điều 4 Công ước quy định:
“Các
quốc gia thành viên Công ước này thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của
Công ước theo cách thức phù hợp với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội
bộ của quốc gia khác”.
1.3.
Một số quy định cụ thể
1.3.1. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong đấu
tranh chống tham nhũng, giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tăng cường khả năng
phát hiện tham nhũng và khắc phục hậu quả tham nhũng. Trên cơ sở nhận thức đó,
Công ước đã dành toàn bộ Chương II quy định về các biện pháp phòng ngừa tham
nhũng mà các quốc gia thành viên cần xây dựng, thực hiện hoặc duy trì. Điều 5
Công ước nêu yêu cầu: “Phải thúc đẩy sự
tham gia của xã hội và thể hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quản lý đúng
đắn việc công và tài sản công, tính liêm khiết, minh bạch và trách nhiệm”.
Đồng thời, Công ước quy định nghĩa vụ hợp tác quốc tế
nhằm thúc đẩy và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có
nghĩa vụ tham gia các chương trình và dự án quốc tế về phòng ngừa tham nhũng và
thiết lập các thiết chế trong nước về vấn đề phòng chống tham nhũng.
a,
Cơ quan phòng, chống tham nhũng
Điều 6 và Điều 36 Công ước quy định việc
thành lập cơ quan hoặc lực lượng phòng, chống tham nhũng chuyên trách là cần
thiết nhằm thực thi, giám sát và phối hợp việc thi hành các chính sách và hành
động chống tham nhũng. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo sự độc lập cần thiết
cho cơ quan nói trên, trong đó có việc cung cấp phương tiện vật chất, đội ngũ
cán bộ chuyên trách cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ này để họ có thể thực hiện
tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
b,
Khu vực công
Các quốc gia thành viên cần nỗ lực ban hành,
duy trì và củng cố các chính sách nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động
của khu vực công, bao gồm: cải cách chế độ tuyển dụng, thuê, sử dụng, đề bạt và
hưu trí đối với công chức; thúc đẩy sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm
trong đội ngũ công chức, trong đó có việc nghiên cứu ban hành và tổ chức thực
hiện những quy tắc hoặc chuẩn mực xử sự đối với công chức; xây dựng các cơ chế
mua sắm công phù hợp, cạnh tranh và khách quan; áp dụng các biện pháp thích hợp
nhằm tăng cường minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính công; tăng
cường minh bạch trong quản lý hành chính công cùng với các hoạt động tổ chức,
thực hiện chức năng và ra quyết định.
c,
Các biện pháp liên quan truy tố và xét xử
Điều 11 Công ước ghi nhận tầm quan trọng của
việc đảm bảo sự độc lập trong hoạt động xét xử. Các quốc gia cần áp dụng các
biện pháp tăng cường tính liêm khiết và phòng ngừa cơ hội tham nhũng đến với
cán bộ toà án, trong đó có việc ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho cán
bộ toà án và tư pháp. Những biện pháp có tác dụng tăng cường tính liêm khiết
cũng cần được áp dụng đối với cán bộ của cơ quan công tố và điều tra.
d,
Sự tham gia của xã hội
Điều
13 Công ước quy định việc áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao nhận
thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân, tính chất nghiêm trọng và mối
đe doạ của tham nhũng; thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động của các cá nhân
và tổ chức ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và
các tổ chức cộng đồng, công chúng, thông tin đại chúng vào công tác phòng,
chống tham nhũng.
e,
Các biện pháp chống rửa tiền
Công ước
dành nhiều điều khoản quy định trực tiếp và gián tiếp đến các biện pháp mà các
quốc gia thành viên cần áp dụng nhằm ngăn ngừa và chống rửa tiền. Điều 14 quy
định các biện pháp chống rửa tiền mang tính định hướng và phòng ngừa là chủ
yếu. Theo đó, các quốc gia cần thiết lập cơ chế giám sát toàn diện đối với các
ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các cơ quan khác đặc biệt dễ phát
sinh hoạt động rửa tiền, nhằm ngăn chặn, phát hiện mọi hình thức rửa tiền; áp
dụng các biện pháp khả thi nhằm kiểm soát, phát hiện việc di chuyển tiền mặt và
tài sản qua biên giới nhưng không được gây cản trở đối với sự di chuyển của các
dòng vốn hợp pháp; tăng cường hợp tác nhằm đấu tranh chống rửa tiền.
f,
Khu vực tư
Điều 12
của Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp
quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư,
tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến khu vực tư; ban hành
các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi
phạm.
1.3.2. Hình sự hoá và thực thi pháp luật
a,
Hình sự hoá
Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia
thành viên phải hình sự hoá các hành vi quy định từ Điều 15 đến Điều 25 của
Công ước, gồm: hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc của
tổ chức quốc tế công; tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác
bởi công chức; Lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; Lạm dụng chức năng; Hối lộ trong
khu vực tư; Biển thủ tài sản trong khu vực tư; Che dấu tài sản; Cản trở hoạt
động tư pháp. Đối với việc hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20)
và hành vi tẩy rửa tiền và tài sản do phạm tội mà có (Điều 23), các quốc gia
thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc
gia.
b,
Phong toả, tạm giữ, tịch thu
Trên
nguyên tắc mọi tài sản do hành vi tham nhũng mà có đều phải bị thu hồi, Công
ước đã quy định các quốc gia thành viên, trong phạm vi rộng nhất được pháp luật
quốc gia cho phép, ban hành các quy định cần thiết cho phép tịch thu tất cả tài
sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội theo quy định tại Công ước, kể cả tài sản
đó đã bị biến đổi, lẫn lộn với tài sản khác và các lợi ích, thu nhập phát sinh
từ tài sản tham nhũng; tài sản, trang thiết bị hay công cụ khác đã hoặc sẽ sử
dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, để đảm bảo mục đích tịch thu,
Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp phong toả và tạm
giữ cần thiết.
c,
Trách nhiệm của pháp nhân
Các quốc gia thành viên, trên cơ sở phù hợp
với các nguyên tắc của pháp luật quốc gia, cần quy định trách nhiệm của pháp
nhân khi tham gia các tội phạm quy định tại Công ước. Hình thức trách nhiệm cụ
thể do các quốc gia tự quyết định, có thể là trách nhiệm hình sự, hành chính
hoặc dân sự, miễn là hình thức trách nhiệm được áp dụng tương xứng, thích đáng
và có tác dụng ngăn ngừa. Ngoài ra, trách nhiệm của pháp nhân không loại trừ
trách nhiệm hình sự của cá nhân.
d, Bảo vệ
nhân chứng, chuyên gia giám định và nạn nhân
Công ước quy định các quốc gia, căn cứ pháp
luật quốc gia và khả năng có thể, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ
nhân chứng, chuyên gia giám định, nạn nhân trước nguy cơ bị trả thù. Ngoài các
biện pháp cụ thể nêu tại Khoản 2 Điều 32, Công ước cũng khuyến nghị các quốc
gia xem xét việc ký hiệp định hoặc thoả thuận nhằm tái định cư những người nhắc
đến tại Khoản 1 Điều 32. Đồng thời, tại Điều 33, Công ước cũng quy định việc áp
dụng các biện pháp nhằm bảo vệ người tố giác trước những đối xử bất công khi tố
giác hành vi tham nhũng.
1.3.3. Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét
xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng là một nội dung quan trọng của
Công ước . Khoản 1 Điều 43 Công ước quy định nghĩa vụ chung về vấn đề hợp tác
quốc tế: “Các quốc gia thành viên của
Công ước hợp tác về hình sự theo quy định tại các điều từ Điều 44 đến Điều 50
Công ước này. Khi thích hợp và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia mình,
các quốc gia thành viên phải xem xét trợ giúp cho nhau trong việc điều tra, thủ
tục tố tụng dân sự và hành chính liên quan đến tham nhũng”.
a,
Dẫn độ
Theo quy
định tại Điều 44 Công ước, phạm vi dẫn độ được áp dụng là các tội phạm về tham
nhũng quy định tại Công ước, kể cả trong trường hợp hành vi đó không bị trừng
phạt theo pháp luật quốc gia. Phạm vi dẫn độ nói trên được coi là một nội dung
của các Hiệp định dẫn độ hiện hành giữa các quốc gia thành viên và sẽ được đưa
vào các Hiệp định dẫn độ mà các quốc gia thành viên sẽ ký kết với nhau. Đối với
các quốc gia yêu cầu việc dẫn độ phải dựa trên hiệp định dẫn độ, trong trường
hợp không có hiệp định dẫn độ, các bên có thể coi Công ước này là căn cứ pháp
lý quốc tế cho việc dẫn độ. Tại thời điểm phê chuẩn, công nhận, thông qua hoặc
gia nhập Công ước, các quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên
Hợp quốc về việc có chấp nhận Công ước làm căn cứ pháp lý cho việc dẫn độ hay
không. Nếu các quốc gia thành viên không chấp nhận, Công ước khuyến nghị các
bên ký Hiệp định dẫn độ để thực hiện điều khoản về dẫn độ của Công ước. Đồng
thời, Công ước khuyến khích các quốc gia thành viên ký kết các hiệp định song
phương, đa phương về dẫn độ hoặc tăng cường hiệu quả hoạt động dẫn độ.
b,
Tương trợ tư pháp
Khoản 1 Điều 46 Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước dành
cho nhau biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất trong điều tra, truy tố và
xét xử những loại tội phạm quy định tại Công ước này”. Trong trường hợp
giữa các quốc gia hữu quan không có Hiệp định tương trợ tư pháp, Điều 46 Công
ước được áp dụng để điều chỉnh vấn đề tương trợ tư pháp. Nếu có Hiệp định tương
trợ tư pháp, các nội dung tương ứng phải được áp dụng, trừ khi các quốc gia
thành viên đồng ý áp dụng các quy định của Công ước thay thế.
Công ước
yêu cầu các quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan trung ương có nhiệm
vụ, quyền hạn tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp, thực hiện hoặc chuyển các
yêu cầu sang cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Quốc gia thành viên phải thông
báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về cơ quan trung ương được chỉ định vì mục
đích này vào thời điểm phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập Công ước.
c,
Hợp tác thực thi pháp luật
Các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác thực thi pháp luật nhằm nâng
cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng. Theo đó, các quốc gia phải áp dụng các
biện pháp hiệu quả nhằm: tăng cường khả năng kiểm soát đối tượng tình nghi, tài
sản, công cụ, phương tiện liên quan đến tội phạm tham nhũng; nâng cao khả năng
trao đổi thông tin về hành vi tham nhũng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối
hợp có hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia; phối hợp thực
hiện các biện pháp hành chính và các biện pháp khác nhằm sớm nhận dạng tham
nhũng. Các hiệp định quốc tế về vấn đề này được khuyến khích ký kết.
d,
Kỹ thuật điều tra đặc biệt
Để chống tham nhũng có hiệu quả, Công ước
khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp nhằm cho phép các cơ
quan chức năng sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt, chẳng hạn như giám sát
điện tử và các hình thức giám sát khác, hoạt động chìm. Việc ký kết các Hiệp
định làm cơ sở cho việc sử dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt khi hợp tác ở cấp độ
được Công ước khuyến khích. Trong trường hợp chưa có Hiệp định hoặc thoả thuận,
việc áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt được đưa ra theo từng vụ việc, thuộc
quyền tự quyết của quốc gia.
1.3.4. Thu hồi tài sản
Điều 51, Chương V Công ước quy định: “Hoàn trả tài sản theo quy định tại Chương này là nguyên tắc căn bản
của Công ước này, và theo đó, các quốc gia thành viên cung cấp cho nhau các
biện pháp hợp tác và trợ giúp rộng rãi nhất”. Trên cơ sở đó, Công ước quy
định các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản có được
do hành vi tham nhũng.
a,
Phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có
Các quốc gia cần áp dụng các biện pháp cần
thiết nhằm yêu cầu các tổ chức tài chính tăng cường nhận dạng, kiểm soát kỹ các
tài khoản đáng ngờ, nhân danh hoặc có liên quan đến những cá nhân đang hoặc đã
giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước hoặc những người có liên quan
của họ. Công ước yêu cầu các quốc gia xem xét thiết lập hệ thống công khai tài
chính đối với nhóm công chức nhất định, trong đó có việc yêu cầu công chức báo
cáo về sự liên quan của mình đối với tài khoản ở nước ngoài, các biện pháp công
khai tài chính phải bao gồm chế tài đối với hành vi không chấp hành.
b,
Các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp
Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên, căn cứ pháp luật quốc gia, áp
dụng các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện để xác
định quyền đối với tài sản có được do hành vi tham nhũng, cho phép toà án của
mình yêu cầu người thực hiện hành vi tội phạm bồi thường thiệt hại, cho phép
toà án công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài
sản khi phải có quyết định tịch thu.
c,
Hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu và các cơ chế thu hồi tài sản thông qua
hợp tác quốc tế trong việc tịch thu
Điều 55
Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước khi nhận được yêu cầu tịch
thu tài sản, công cụ, phương tiện liên quan đến tội phạm tham nhũng quy định
tại Công ước từ một quốc gia thành viên khác có quyền tài phán đối với tội phạm
đó, trong phạm vi rộng nhất mà pháp luật quốc gia cho phép, phải: xem xét yêu
cầu để cấp lệnh tịch thu và thi hành lệnh tịch thu; xem xét công nhận hiệu lực
thi hành của lệnh tịch thu do toà án của quốc gia yêu cầu ban hành. Để thực
hiện quy định này, Điều 54 Công ước đề ra các biện pháp mà quốc gia thành viên
cần áp dụng, trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia: áp dụng các biện pháp
cần thiết cho phép công nhận hiệu lực thi hành của lệnh tịch thu ban hành bởi
quốc gia thành viên khác; phong toả hoặc thu giữ tài sản theo lệnh tịch thu của
toà án, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu hoặc theo đề nghị của quốc
gia yêu cầu; và các biện pháp cần thiết khác.
d, Trả lại và xử lý tài sản
Điều 57
Công ước quy định về việc xử lý tài sản bị tịch thu. Theo Khoản 1 Điều 57 Công
ước, việc xử lý tài sản có liên quan đến tội phạm tham nhũng đã bị tịch thu
theo Điều 31 hoặc Điều 55, bao gồm cả việc trả lại chủ sở hữu hợp pháp, sẽ do
quốc gia thành viên đã tiến hành tịch thu tài sản đó thực hiện theo quy định
của Công ước và pháp luật quốc gia đó.
Khoản 2 Điều
57 Công ước quy định các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp
hoặc các biện pháp cần thiết khác để cho phép cơ quan có thẩm quyền của mình
trả lại tài sản bị tịch thu khi hành động theo yêu cầu của quốc gia thành viên
khác.
Để thực
thi Khoản 1 và 2, Khoản 3 Điều 57 Công ước quy định về các trường hợp và nghĩa
vụ trả lại tài sản bị tịch thu:
(i)
Trong trường hợp tham ô công quỹ (Điều 17) hoặc tẩy rửa tài sản có được do tham
ô công quỹ (Điều 23), khi việc tịch thu được thực hiện theo Điều 55 của Công
ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia được yêu cầu
có thể miễn điều kiện này), quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc
gia yêu cầu. Như vậy, khi điều kiện về nội dung (Điều 17, Điều 23) và về thủ
tục (Điều 55) được đáp ứng, quốc gia đã tiến hành tịch thu tài sản có nghĩa vụ
trả lại tài sản cho quốc gia đã yêu cầu tịch thu;
(ii) Khi
việc tịch thu tài sản có được do phạm các tội quy định tại Công ước được thực
hiện theo Điều 55 của Công ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu
cầu (quốc gia được yêu cầu có thể miễn điều kiện này) và quốc gia yêu cầu chứng
minh được quyền sở hữu trước đó của mình đối với tài sản hoặc nếu quốc gia được
yêu cầu coi thiệt hại đối với quốc gia yêu cầu là căn cử để trả lại tài sản,
thì quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu;
(iii)
Trong các trường hợp khác, việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia yêu
cầu hoặc chủ sở hữu hợp pháp trước đó của tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho
nạn nhân của tội phạm sẽ được quốc gia tịch thu coi là ưu tiên khi xem xét xử
lý tài sản đó.
Quốc gia
được yêu cầu có thể khấu trừ các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử để dẫn đến việc trả lại hay xử lý tài sản bị tịch thu theo
Điều 57.
Việc trả
lại tài sản cho nước gốc theo quy định tại Điều 57 của Công ước là một vấn đề
rất nhạy cảm và phức tạp xét trên nhiều khía cạnh: kỹ thuật, kinh tế, chính
trị, xã hội…Vì vậy, Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên dành “sự quan
tâm đặc biệt” nhằm đi đến các thoả thuận hoặc dàn xếp đối với từng vụ việc cụ
thể để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với tài sản bị tịch thu.
e, Đơn vị tình báo tài chính
Theo quy định tại Điều 58 Công ước, để thúc đẩy cách thức
và biện pháp nhằm thu hồi tài sản, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ xem xét
việc thành lập đơn vị tình báo tài chính. Đơn vị này sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận,
phân tích và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về các giao dịch tài
chính đáng ngờ.
Do tính chất quan trọng của vấn đề thu hồi tài sản có
được do tham nhũng, cùng với các quy định tương đối chi tiết, toàn diện và mang
tính nghiệp vụ, kỹ thuật cao về hợp tác quốc tế nhằm thu hồi tài sản tại Chương
V Công ước, Điều 59 Chương V quy định: “Các
quốc gia thành viên phải xem xét việc ký kết các thoả thuận hoặc dàn xếp song
phương hoặc đa phương nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế theo quy định
tại Chương này của Công ước”.
1.3.5. Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin
Các quốc gia có nghĩa vụ khởi xướng, phát triển hoặc tăng
cường các chương trình đào tạo cụ thể đối với đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm
về phòng, chống tham nhũng theo các nội dung đề ra tại Khoản 1 Điều 60 Công
ước.
Các quốc gia thành viên, tuỳ vào khả năng của mình, xem
xét hỗ trợ cho nhau về tài chính, trang thiết bị, đào tạo, kinh nghiệm và kiến
thức chuyên ngành; nỗ lực tối đa hoá các hoạt động thực hành và đào tạo trong
khuôn khổ các hiệp định và thoả thuận; tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết
thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; xem xét phát triển và chia sẻ số liệu về
chống tham nhũng, đội ngũ chuyên gia phân tích thông tin về tham nhũng. Công
ước đặc biệt khuyến nghị việc ký các Hiệp định về hỗ trợ tài chính, kỹ thuật
giữa các quốc gia thành viên.
1.3.6. Cơ chế thi hành Công ước và các điều
khoản cuối cùng
Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước là cơ chế thi
hành Công ước chủ yếu. Hội nghị các quốc gia thành viên được thành lập để tăng
cường năng lực và hợp tác giữa các quốc gia thành viên nhằm đạt được các mục
tiêu đề ra trong Công ước và thúc đẩy, kiểm tra việc thực thi Công ước. Mỗi
quốc gia thành viên có nghĩa vụ cung cấp cho Hội nghị các quốc gia thành viên
thông tin về chương trình, kế hoạch và hoạt động thực tiễn cũng như thông tin
về các biện pháp lập pháp, hành chính để thi hành Công ước. Ban thư ký có nhiệm
vụ trợ giúp Hội nghị các quốc gia thành viên, hỗ trợ hoạt động thông tin, báo
cáo của các quốc gia thành viên đối với Hội nghị các quốc gia thành viên, bảo
đảm sự phối hợp cần thiết với các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan.
2. CÔNG ƯỚC
VỀ CHỐNG TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC XUYÊN QUỐC GIA
Công ước được thông qua bởi Nghị quyết số
A/RES/55/25 ngày 15.11. 2000 của Đại Hội đồng LHQ. Công ước được mở cho tất cả
các nước thành viên LHQ và các Tổ chức liên kết kinh tế khu vực nếu tổ chức đó
có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này ký từ ngày 12 đến ngày
15.12.2000 tại Cung điện Palazzi di Giustizia ở Palermo, Italy, và sau đó là
tại Trụ sở LHQ ở New York đến
ngày 12.12. 2002.
Công ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày
29.9.2003, có 154 nước là thành viên (đến ngày 22.02.2010). Việt Nam đã
ký Công ước này vào ngày 13.12.2000 nhưng chưa phê chuẩn. Việt Nam có quyền làm
các bảo lưu và tuyên bố cần thiết khi phê chuẩn Công ước.
2.1. Những thông tin chung về Công ước TOC
Với 41 điều khoản, Công
ước TOC đã đề cập đến nhiều vấn đề thuộc công pháp quốc tế, pháp luật hình sự và
pháp luật tố tụng hình sự quốc tế. Mặc dù được thể hiện dưới nhiều giác độ khác
nhau, nhưng nội dung của Công ước TOC không tách rời các nguyên tắc cơ bản của
pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật hình sự nói riêng đã được cộng đồng quốc
tế thừa nhận.
2.2. Những quy định chung
a,
Mục đích của Công ước
Mục đích chung nhất của Công ước TOC là hình thành một khuôn khổ pháp lý
toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động hợp tác quốc tế có hiệu quả trong đấu tranh
phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Điều này phù hợp với ý
chí và nguyện vọng của nhiều quốc gia trên thế giới và là điểm cốt lõi thu hút
sự quan tâm, tham gia của đông đảo các quốc gia thành viên LHQ. Công ước TOC ra
đời nhằm mục đích thúc đẩy việc hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia trong đấu
tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
b, Phạm vi của Công ước
Công ước TOC đã xác định phạm vi, nguyên tắc, thủ tục và
các biện pháp tương trợ tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử các
tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đưa ra một số quy định về hợp tác trong các
lĩnh vực cụ thể như: tịch thu và xử lý tài sản phạm tội, chuyển giao người bị kết
án, phối hợp điều tra, bảo vệ nhân chứng và nạn nhân, các biện pháp tăng cường
hợp tác giữa các cơ quan thi hành pháp luật, trao đổi thông tin liên quan đến tội
phạm. Công ước TOC chỉ hạn chế trong phạm vi các tội phạm có tổ chức xuyên quốc
gia vì lợi ích tài chính hoặc lợi ích vật chất khác.
2.3. Một số quy định
cụ thể
2.3.1. Hình sự hóa các
hành vi phạm pháp
a, Hành vi tham gia các
nhóm tội phạm
Để đáp ứng
nhu cầu phải có một giải pháp mang tính quốc tế và bảo đảm việc hình sự hoá một
cách có hiệu quả các hành vi tham gia vào các nhóm tội phạm, Điều 5 của Công ước
TOC đã quy định nghĩa vụ của các Quốc gia Thành viên trong việc hình sự hoá hành
vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức. Điều 5 của Công ước TOC được quy định
trên cơ sở thừa nhận hai cách tiếp cận chính trong việc hình sự hoá việc tham
gia vào nhóm tội phạm có tổ chức. Hai giải pháp lựa chọn mà Điều 5 của Công ước
TOC đưa ra trong khoản 1(a)(i) và 1(a)(ii) đã phản ánh một thực tế là trong khi
một số quốc gia có quy định pháp luật về dự mưu đồng phạm thì một số quốc gia
khác có quy định về tổ chức phạm tội (association de malfaiteur). Hai giải
pháp lựa chọn này cho phép hành động một cách hiệu quả chống các nhóm tội phạm
có tổ chức mà không đòi hỏi các Quốc gia thành viên phải áp dụng các khái niệm
mới là dự mưu đồng phạm hoặc tổ chức phạm tội vào trong pháp luật nước mình. Điều
5 của Công ước TOC cũng đưa vào phạm vi điều chỉnh cả những người hỗ trợ hoặc tạo
thuận lợi cho các tội phạm được thực hiện bởi các nhóm tội phạm có tổ chức theo
những cách thức khác.
b, Hành vi hợp pháp
hoá tài sản do phạm tội mà có
Nhiều hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức được thực
hiện là nhằm tích luỹ của cải thông qua các biện pháp bất hợp pháp, chẳng hạn
như buôn bán ma tuý, buôn lậu và lừa đảo. Để có thể được hưởng các lợi ích do
những hoạt động bất hợp pháp này mang lại, những nhóm tội phạm này phải tìm cách
che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của các tài sản đó. Khi các nỗ lực của quốc gia
và quốc tế nhằm tước đoạt các khoản lợi bất chính của bọn tội phạm càng được tăng
cường thì các nhóm tội phạm có tổ chức cũng càng ngày càng tìm cách để biến những
khoản lợi đó thành những tài sản có vẻ ngoài hợp pháp. Điều đó được tiến hành bằng
cách đưa các tài sản do phạm tội mà có vào hệ thống tài chính, tham gia vào rất
nhiều giao dịch nhằm che đậy nguồn gốc và con đường luân chuyển tiền tệ, bằng cách
đó đưa tiền vào nền kinh tế hợp pháp thông qua các giao dịch có vẻ ngoài hợp pháp.
Kết quả là tài sản có thể được chuyển giao từ nơi này sang nơi khác một cách
nhanh chóng thông qua việc khai thác sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các
quốc gia hiện nay, và cuối cùng tài sản này sẽ có một vẻ ngoài hợp pháp và sẵn
sàng để cho những kẻ phạm tội nghiêm trọng và các tổ chức tội phạm trên bất cứ
nơi nào trên thế giới sử dụng. Những tài sản này có thể được sử dụng để tài trợ
cho các hoạt động phạm tội, để thưởng cho các hoạt động tội phạm đã thực hiện và
là động cơ cho các hoạt động phạm tội trong tương lai.
Chính vì vậy, đấu
tranh chống rửa tiền là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh chống tội phạm
có tổ chức xuyên quốc gia. Một trong những động cơ chính của các nhóm tội phạm
có tổ chức quốc tế là duy trì các khoản lời bất chính. Vì thế, việc nhằm vào các
lợi ích tài chính của các nhóm tội phạm để tịch thu những khoản lời bất chính đó
là hết sức quan trọng vì nó làm giảm động cơ thực hiện tội phạm và làm suy yếu
hoạt động, sự phát triển và mở rộng quy mô của tội phạm. Hơn thế nữa, đấu tranh
chống rửa tiền còn góp phần bảo vệ tính chính trực trong các thể chế tài chính,
cả chính thức và không chính thức, và bảo đảm sự vận hành trơn tru của hệ thống
tài chính quốc tế với tư cách là một tổng thể.
Vấn đề rửa tiền rõ ràng đòi hỏi phải có một giải pháp quốc
tế. Các quốc gia và khu vực cần nỗ lực để làm hài hoà những cách tiếp cận, chuẩn
mực và hệ thống pháp luật điều chỉnh tội phạm này, sao cho có thể hợp tác với
nhau trong việc kiểm soát các hoạt động rửa tiền do phạm tội mà có mang tính quốc
tế. Các quốc gia có cơ chế yếu hoặc không có cơ chế để kiểm soát hoạt động rửa
tiền sẽ khiến cho công việc của bọn rửa tiền trở nên dễ dàng hơn nhiều. Do đó,
Công ước TOC đã tìm cách quy định một chuẩn mực tối thiểu để tất cả các quốc
gia đều tuân theo trong quá trình nỗ lực kiểm soát các tài sản do phạm tội mà có.
Việc hình sự hoá hành vi rửa tiền không chỉ cho phép các cơ quan có thẩm quyền
của quốc gia tổ chức việc phát hiện, truy tố và trấn áp tội phạm mà còn tạo cơ
sở pháp lý cho việc hợp tác quốc tế giữa các cơ quan cảnh sát, tư pháp và hành
chính, bao gồm cả việc tương trợ tư pháp và dẫn độ.
c, Hình sự hoá hành vi tham nhũng
Trong quá
trình hoạt động, các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng việc hối lộ và những
hành vi tham nhũng khác để tạo ra hoặc khai thác các cơ hội và bảo vệ hoạt động
phạm tội của nhóm tội phạm có tổ chức trước những sự can thiệp của hệ thống tư
pháp hình sự và các cơ chế kiểm soát khác. Tham nhũng làm giảm rủi ro, tăng lợi
nhuận của tội phạm và tham nhũng cũng ít khả năng gây ra phản ứng như những biện
pháp gây ảnh hưởng khác đối với Nhà nước như đe doạ hoặc sử dụng vũ lực.
Không có đất nước nào mà lại không có tham nhũng ở mức độ
này hay mức độ khác. Cộng đồng quốc tế và đông đảo công chúng ở tất cả các xã hội
đã và đang thường xuyên yêu cầu các cơ quan công quyền phải cởi mở hơn và có trách
nhiệm giải trình lớn hơn. Kết quả là trong những năm vừa qua, nhiều sáng kiến của
quốc gia, khu vực và quốc tế đã tập trung vào nhiều khía cạnh của nạn tham nhũng,
chẳng hạn như Công ước Pháp luật hình sự của Hội đồng Châu Âu về tham nhũng và
Công ước Liên Mỹ chống tham nhũng. Hai văn kiện này sử dụng ngôn ngữ tương tự
nhưng không hoàn toàn giống với điều 8 của Công ước TOC. Từ Tổ chức hợp tác và
phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới đến Liên minh Châu Âu và các tổ
chức phi chính phủ, hầu như tất cả các tổ chức chủ yếu đều quan tâm đến vấn đề
này. Liên Hợp quốc đã thông qua Công ước chống tham nhũng và Việt Nam là thành
viên của Công ước này (xem mục 1 nói trên).
Mặc dù tham nhũng không nhất thiết phải liên quan đến các
nhóm tội phạm có tổ chức, nó có thể là một thành tố hết sức quan trọng của tội
phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Công ước TOC thừa nhận rằng cuộc đấu tranh chống
một tội phạm nghiêm trọng như vậy không thể có hiệu quả trừ phi tất cả những người
góp phần vào nỗ lực quốc tế tiến hành những bước đi chủ động để làm hài hoà pháp
luật và hình sự hoá hoạt động tham nhũng.
d, Hình sự hoá hành
vi cản trở công lý
Các nhóm tội phạm có
tổ chức duy trì hoặc khuyếch trương tài sản, quyền lực và ảnh hưởng bằng cách làm
suy yếu hệ thống tư pháp. Công lý không thể nào được thực hiện nếu thẩm phán, bồi
thẩm, nhân chứng hoặc nạn nhân bị đe dọa hoặc đút lót. Cũng không thể trông chờ
vào bất cứ hoạt động phối hợp nào, dù là trong nước hay quốc tế nếu những đối tác
quan trọng trong hoạt động điều tra và thi hành pháp luật không được bảo vệ một
cách hiệu quả để có thể đảm đương trọng trách của mình mà không có trở ngại nào.
Cũng không thể phát hiện và trừng trị bất cứ tội phạm nghiêm trọng nào nếu như
việc tiếp cận chứng cứ của điều tra viên, kiểm sát viên hoặc toà án bị ngáng trở.
Tính hợp pháp của toàn thể bộ máy thi hành pháp luật từ
trong mỗi quốc gia đến phạm vi toàn cầu đang bị đe doạ và cần được bảo vệ trước
ảnh hưởng của những hành vi mua chuộc của các nhóm tội phạm có tổ chức. Cuộc đấu
tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có thể bị giảm hiệu lực nếu như
hoạt động tư pháp bị những kẻ thao túng tinh vi trong các nhóm tội phạm làm cho
biến chất. Để bảo đảm tính toàn vẹn của hoạt động tư pháp, Điều 23 của Công ước
TOC đã được quy định để xử lý các hành vi cản trở công lý, bổ sung những quy định
để giải quyết những vấn đề gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau là tham nhũng, bảo
vệ nhân chứng và nạn nhân cũng như hợp tác quốc tế.
2.3.2. Điều tra, truy
tố, xét xử, hình phạt
a,. Quyền tài phán
Quyền tài phán nói
chung và quyền tài phán trị ngoại lãnh thổ nói riêng thể hiện chủ quyền của một
quốc gia. Do vậy, việc xác định quyền tài phán có ý nghĩa hết sức quan trọng và
rất cần thiết. Đặc biệt, trong quan hệ quốc tế thì việc xác định rõ quyền tài
phán trị ngoại lãnh thổ của một quốc gia lại càng có ý nghĩa quan trọng. Trong
nhiều trường hợp, việc thực hiện tội phạm có thể vượt qua biên giới quốc gia, đòi
hỏi quốc gia phải thực hiện thẩm quyền tài phán trị ngoại lãnh thổ để truy tố công
dân của nước mình phạm tội ở nước ngoài. Vì thế, quyền tài phán trị ngoại lãnh
thổ là rất cần thiết để ngăn chặn việc người phạm tội trốn ra nước ngoài để tránh
việc bị truy tố.
Công ước TOC yêu cầu
các quốc gia xác lập quyền tài phán đối với những tội phạm được thực hiện trên
lãnh thổ của mình hoặc trên tàu bay và tàu thuỷ của mình. Khoản 2 Điều 15 của Công
ước TOC còn yêu cầu các quốc gia xem xét việc xác lập quyền tài phán trong các
trường hợp sau: a) nạn nhân là công dân nước mình; b) tội phạm do công dân nước
mình hoặc do người không có quốc tịch thường trú ở nước mình thực hiện; c) tội
phạm liên quan đến tội nghiêm trọng và rửa tiền được chuẩn bị thực hiện trên lãnh
thổ quốc gia mình.
Công ước TOC đòi hỏi
các quốc gia phải xác lập quyền tài phán dựa trên nguyên tắc lãnh thổ. Mỗi quốc
gia thành viên phải xác lập quyền tài phán
đối với các tội phạm được quy định phù hợp với các Điều 5, 6, 8 và 23 của
Công ước TOC, khi các tội phạm đó được thực hiện trên lãnh thổ của mình, trên tàu
bay được đăng ký theo pháp luật của nước mình, trên tàu biển mang quốc kỳ nước
mình (khoản 1 Điều 15). Các quốc gia có quy định về quyền tài phán hình sự nhưng
chưa bao quát tất cả các hành vi tội phạm quy định tại các điều 5, 6, 8 và 23 của
Công ước TOC được thực hiện trên lãnh thổ của mình, trên tàu bay được đăng ký
theo pháp luật của nước mình, trên tàu biển mang quốc kỳ nước mình thì phải bổ
sung quy định về quyền tài phán hiện hành.
Công ước TOC yêu cầu
các quốc gia xác lập quyền tài phán đối với các tội phạm do công dân mình thực
hiện ngoài lãnh thổ nước mình trong trường hợp từ chối dẫn độ người phạm tội vì
lý do quốc tịch. Quy định này yêu cầu các quốc gia xác lập quyền tài phán đối với
các tội phạm được quy định trong Công ước TOC để có thể thực hiện nghĩa vụ theo
khoản 10 Điều 16 Công ước TOC, theo đó, các quốc gia phải thực hiện việc truy tố
người phạm tội ở nước mình nếu không dẫn độ người đó vì lý do quốc tịch. Nghĩa
vụ xác lập quyền tài phán đối với các tội phạm được thực hiện ở nước ngoài chỉ
giới hạn ở việc xác lập quyền tài phán đối với các tội phạm do công dân của quốc
gia thành viên thực hiện khi quốc gia thành viên đơn phương từ chối dẫn độ người
phạm tội vì lý do quốc tịch. Quy định này không đòi hỏi các quốc gia thành viên
phải xác lập quyền tài phán đối với các tội phạm không phải do công dân của mình
thực hiện. Như vậy, về thực chất, mỗi quốc gia thành viên nếu không dẫn độ công
dân của mình cho nước khác thì phải xác lập quyền tài phán đối với: a) hành vi
phạm tội quy định tại các Điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước TOC có liên quan đến
một nhóm tội phạm có tổ chức do công dân của mình thực hiện ở nước ngoài; b) tội
phạm nghiêm trọng theo quy định của luật pháp nước mình có liên quan đến một nhóm
tội phạm có tổ chức do công dân của mình thực hiện ở nước ngoài; c) các tội phạm
được quy định tại các Nghị định thư kèm theo Công ước TOC mà quốc gia mình đã là
thành viên hoặc dự định sẽ trở thành thành viên.
Ngoài ra, theo quy định
tại khoản 3 Điều 15 của Công ước TOC thì trong trường hợp người bị tình nghi phạm
tội đang có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia và quốc gia đó đơn phương không
dẫn độ người bị tình nghi phạm tội vì lý do người đó là công dân của mình, thì
quốc gia đó phải xác lập quyền tài phán đối với các hành vi phạm tội sau đây,
thậm chí là các hành vi phạm tội đó được thực hiện ngoài lãnh thổ nước mình: a)
các tội phạm được quy định tại các Điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước TOC khi nó
liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức; b) tội phạm nghiêm trọng liên quan đến
một nhóm tội phạm có tổ chức mà theo pháp luật của cả quốc gia yêu cầu lẫn quốc
gia được yêu cầu thì tội phạm được yêu cầu dẫn độ đều bị trừng phạt; c) các tội
phạm được quy định trong các Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước TOC
mà quốc gia mình đã là thành viên hoặc dự định sẽ trở thành thành viên.
Các quốc gia có thể có
quyền tài phán đối với hành vi phạm tội cụ thể nhưng phải bảo đảm rằng quốc gia
đó phải có quyền tài phán đối với hành vi phạm tội do công dân mình thực hiện cả
trong lẫn ngoài lãnh thổ quốc gia.
Theo quy định tại khoản
5 Điều 15 của Công ước TOC thì mỗi quốc gia thành viên, khi thích hợp, cũng phải
tham vấn, trao đổi với các quốc gia thành viên khác về việc đang thực hiện quyền
tài phán đối với cũng hành vi phạm tội đó để phối hợp hoạt động. Công ước TOC đòi
hỏi các quốc gia quan tâm đến việc các quốc gia thành viên khác đang tiến hành điều
tra, truy tố cùng một tội phạm, khi thích hợp, phải tham vấn, trao đổi với những
nước đó để phối hợp hoạt động. Trong một số trường hợp, sự điều phối sẽ là kết
quả của việc một quốc gia thành viên này tiến hành điều tra hoặc truy tố theo
quốc gia thành viên kia. Trong những trường hợp khác thì các quốc gia có liên
quan có thể đạt được lợi ích riêng thông qua việc chia sẻ thông tin mà mình thu
thập được. Các quốc gia cũng có thể thoả thuận riêng về việc truy đuổi những người
phạm tội hoặc những tội phạm nhất định, ủy thác điều tra, truy tố những người
phạm tội khác hoặc có hành vi phạm tội liên quan cho các quốc gia khác có liên
quan. Nghĩa vụ tham vấn, trao đổi xét về bản chất là nghĩa vụ hợp tác quốc tế và
trong phần lớn các trường hợp không đòi hỏi việc thi hành pháp luật quốc gia.
Ngoài quyền tài phán bắt buộc nêu trên, Công ước TOC khuyến
khích các quốc gia thành viên xác lập quyền tài phán trong trường hợp lợi ích
quốc gia bị xâm hại.
Khoản 2 Điều 15 Công ước TOC quy định một loạt các cơ sở pháp
lý của quyền tài phán mà các quốc gia thành viên có thể công nhận khi: a) tội
phạm được thực hiện nhằm chống lại một công dân của quốc gia thành viên đó hoặc
chống lại một người không quốc tịch thường trú trên lãnh thổ của quốc gia thành
viên đó; b) tội phạm do công dân của của quốc gia thành viên đó hoặc do người
không quốc tịch thường trú tại quốc gia thành viên đó thực hiện; c) tội phạm liên
quan đến các hoạt động của một nhóm tội phạm có tổ chức được thực hiện ngoài lãnh
thổ quốc gia đó nhằm thực hiện một tội phạm nghiêm trọng trên lãnh thổ của quốc
gia thành viên đó; d) tội tham gia rửa tiền hoặc rửa tiền chưa đạt được thực hiện
ngoài lãnh thổ của quốc gia thành viên đó nhằm thực hiện việc rửa tiền trên lãnh
thổ của quốc gia thành viên đó.
Khoản 4 Điều 15 Công ước TOC quy định một cơ sở pháp lý bổ
sung (không bắt buộc) của quyền tài phán mà các quốc gia thành viên có thể cân
nhắc, theo đó cho phép quốc gia thành viên xác lập quyền tài phán đối với những
người mà quốc gia được yêu cầu không dẫn độ vì những lý do khác.
b, Chuyển giao vụ án
hình sự
Trong một số trường hợp đối, với cùng một vụ án hình sự
nhưng lại có hai hoặc nhiều quốc gia đều có quyền tài phán. Vấn đề đặt ra là không
thể tất cả các quốc gia đều cùng thực hiện việc truy tố, xét xử cùng một người
phạm tội. Để giải quyết tình huống này, cần phải xuất phát từ lợi ích của việc
thi hành công lý, các quốc gia cần tiến hành đàm phán, thương lượng với nhau để
chuyển giao vụ án cho một quốc gia thực hiện việc truy tố, xét xử hợp lý.
Công ước TOC buộc các
quốc gia thành viên phải xem xét khả năng chuyển giao cho nhau vụ án hình sự để
một thành viên thực hiện việc truy tố, xét xử nhằm mục đích cao nhất là vì lợi ích
của việc thi hành công lý, nhất là trong trường hợp các quốc gia đều có quyền tài
phán đối với vụ án đó.
Theo quy định tại Điều
21 Công ước TOC thì việc chuyển giao vụ án hình sự giữa các quốc gia thành viên
của Công ước TOC phải thoả mãn các điều kiện sau:
- Vụ án hình sự đã được khởi tố về một hành vi phạm tội được
quy định trong Công ước TOC, bao gồm: (a) hành vi tham gia vào các nhóm tội phạm
có tổ chức, hành vi rửa tiền do phạm tội mà có, tham nhũng, cản trở tư pháp;
(b) tội phạm nghiêm trọng có tính chất xuyên quốc gia và bao gồm nhóm tội phạm
có tổ chức có khung hình phạt từ 04 năm tù trở lên;
- Việc chuyển giao vụ
án hình sự được coi là vì lợi ích của việc thi hành công lý.
c, Trách nhiệm hình sự của pháp
nhân
Các tội phạm nghiêm trọng và tinh vi thường được thực hiện
dưới vỏ bọc của các pháp nhân, chẳng hạn như thông qua các công ty hay các tổ
chức từ thiện. Hệ thống tổ chức phức tạp của các công ty có thể che giấu một cách
hiệu quả các thông tin thực sự về sở hữu chủ, khách hàng hoặc các giao dịch cụ
thể có liên quan đến những tội phạm từ buôn lậu cho đến rửa tiền và tham nhũng.
Những cá nhân ở vị trí điều hành có thể không cư trú ở quốc gia nơi tội phạm được
thực hiện và việc chứng minh trách nhiệm của một cá nhân cụ thể nào đó có thể sẽ
rất khó khăn. Chính vì vậy, nhiều quan điểm đã cho rằng cách duy nhất để có thể
loại trừ công cụ và lá chắn này của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là áp dụng
trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng có thể
có hiệu quả phòng ngừa, một phần vì việc bị tổn hại đến thanh danh là một cái
giá rất đắt và phần nữa vì trách nhiệm hình sự của pháp nhân có thể đóng vai trò
là chất xúc tác để xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý và giám sát có hiệu
quả việc tuân thủ pháp luật.
Nguyên tắc công ty không thể thực hiện tội phạm từ lâu đã
được chấp nhận trên toàn thế giới và nguyên tắc này đã được một số quốc gia thuộc
hệ thống pháp luật án lệ Anh-Mỹ thay đổi. Ngày nay, cuộc tranh luận xảy ra từ rất
lâu về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã chuyển sang một vấn đề rộng lớn hơn
là làm thế nào để có thể quy định và điều chỉnh trách nhiệm này.
Hiện nay vẫn còn có
nhiều quan ngại về việc quy lỗi, xác định mức độ trách nhiệm hình sự tập thể, cách
thức chứng minh cần thiết để áp dụng hình phạt đối với pháp nhân cũng như các
chế tài hình sự thích hợp nhằm tránh việc trừng trị những người vô tội. Các nhà
hoạch định chính sách ở khắp nơi đều tiếp tục các cuộc tranh luận kéo dài về những
vấn đề như nhận thức phạm tội của tập thể, điều chỉnh việc kiểm soát nội bộ công
ty, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội của công ty, cũng như việc áp
dụng lỗi vô ý và các tiêu chí khác.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật của các quốc gia cũng như
các văn kiện quốc tế hiện nay thường quy định bên cạnh trách nhiệm hình sự của
cá nhân là một số quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Đồng thời, cách
tiếp cận của các quốc gia khác nhau về trách nhiệm hình sự của công ty là khá
phong phú. Chẳng hạn, trong khi một số quốc gia áp dụng hình phạt đối với chính
tổ chức, như phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc tước quyền hoạt động thì một số
quốc gia khác lại áp dụng các biện pháp phi hình sự hoặc bán hình sự. Những câu
hỏi chủ yếu được đặt ra là loại trách nhiệm pháp lý nào và các loại chế tài pháp
lý nào thì có thể được áp dụng đối với một công ty. Công ước TOC là một trong
những nỗ lực để làm hài hoà những cách tiếp cận này và giải quyết vấn đề trách
nhiệm hình sự của pháp nhân.
2.3.3. Hợp tác quốc tế
a, Hợp tác quốc tế trong tạm giữ tài sản và tịch
thu lợi nhuận của tội phạm
Do bọn phạm tội
thường tìm cách cất dấu lợi nhuận và các công cụ phạm tội ở nước ngoài nên việc
hợp tác quốc tế trong việc tịch thu tài sản là rất cần thiết để bảo đảm rằng
chúng không thể lợi dụng biên giới quốc gia và sự khác biệt giữa các hệ thống
pháp luật để sở hữu các nguồn lợi bất hợp pháp để bảo đảm sự tồn tại của các
tập đoàn tội phạm mặc dù có thể chúng bị truy tố và kết án. Nhận thức được điều
đó, Điều 13 của Công ước TOC đã quy định các cơ chế khác nhau để đẩy mạnh hợp
tác quốc tế liên quan đến việc tịch thu tài sản.
Điều 14 khoản 2 và 3
của Công ước TOC quy định việc xử lý các tài sản bị tịch thu được thực hiện
theo quy định của pháp luật trong nước và
các quốc gia thành viên được khuyến khích ưu tiên trả lại các tài sản
này theo đề nghị của các quốc gia để sử dụng bồi thường cho các nạn nhân của
tội phạm hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Các quốc gia thành viên cũng
được khuyến khích xem xét ký kết các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương hoặc
đa phương về việc chuyển các khoản lợi nhuận này cho Liên Hợp quốc để giúp đỡ
tài chính cho các các hoạt động trợ giúp kỹ thuật theo quy định của Công ước TOC hoặc
chia sẻ với các quốc gia thành viên đã trợ giúp trong việc tịch thu các tài sản
này.
b,Hợp tác quốc tế trong điều tra
Công ước TOC quy định hai dạng hợp tác quốc tế trong điều
tra, đó là liên kết điều tra và hợp tác trong sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc
biệt.
Theo Điều 19 Công ước TOC, các quốc gia thành viên phải
xem xét ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương về thành lập các cơ
quan liên kết điều tra, trong khi bảo đảm rằng chủ quyền của quốc gia thành
viên mà trên lãnh thổ quốc gia đó việc điều tra này được tiến hành phải được
tôn trọng đầy đủ.
Điều 20 Công ước TOC quy định trách nhiệm hợp tác của các
quốc gia thành viên và tạo ra các điều kiện phù hợp cho việc áp dụng các kỹ
thuật điều tra đặc biệt trong điều tra tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Các kỹ thuật điều tra đặc biệt này bao gồm các kỹ thuật
điều tra đặc biệt được áp dụng tại cấp độ trong nước và các kỹ thuật điều tra
đặc biệt được áp dụng trên cấp độ quốc tế.
c, Hợp tác trong thực
thi pháp luật
Công ước TOC
quy định một số cơ chế bắt buộc và không bắt buộc để tạo điều kiện cho việc hợp
tác quốc tế và hợp tác thực thi pháp luật là một trong những cơ chế đó. Điều 27
khoản 1 Công ước TOC quy định phạm vi nghĩa vụ các quốc gia phải thực hiện hợp
tác. Các quốc gia thành viên được yêu cầu hợp tác chặt chẽ với nhau trong các
vấn đề về thực thi pháp luật (hợp tác giữa cảnh sát với cảnh sát) trong một số
lĩnh vực cụ thể được quy định tại các điểm từ a đến f của Khoản 1 Điều 27 của
Công ước TOC. Nghĩa vụ chung về
hợp tác nói trên không phải là tuyệt đối, bởi vì nó được thực hiện phù hợp với
luật pháp trong nước và hệ thống hành chính của các quốc gia thành viên. Điểm
này cho các quốc gia thành viên khả năng xác định điều kiện hoặc từ chối hợp
tác trong một số trường hợp cụ thể liên quan đến các yêu cầu của họ.
Phụ
thuộc vào điểm giới hạn chung này, các quốc gia thành viên phải đẩy mạnh các
kênh thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nước với nhau (khoản
1 điểm a Điều 27 Công ước TOC); thực hiện các biện pháp hợp tác cụ thể để có
được những thông tin về nhân thân cũng như sự dịch chuyển của các nguồn lợi
nhuận hoặc công cụ của bọn phạm tội (khoản 1 điểm c Điều 27 Công ước TOC); cung
cấp cho nhau các thiết bị hoặc các đồ dùng cần thiết cho các mục đích phân tích
hoặc điều tra (khoản 1 điểm c Điều 27 Công ước TOC); tăng cường trao đổi nhân
sự và các chuyên gia khác, bao gồm cả việc bố trí các cán bộ giao dịch (khoản 1
điểm d Điều 27 Công ước TOC); Trao đổi thông tin về các biện pháp và phương
thức cụ thể được các nhóm tội phạm có tổ chức sử dụng (khoản 1 điểm e Điều 27
Công ước TOC).
Để tiến hành hợp tác
trong thực thi pháp luật, Công ước TOC kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét
việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận song phương hoặc đa phương về hợp tác
trực tiếp giữa các cơ quan thực thi pháp luật. Trong trường hợp chưa ký các
hiệp định hoặc thoả thuận như vậy giữa các Quốc gia thành viên liên quan thì
các Thành viên có thể coi Công ước TOC như là cơ sở cho việc hợp tác hành pháp
liên quan đến những hành vi phạm tội được Công ước TOC này điều chỉnh. Đối với
các quốc gia thành viên mà luật trong nước đã cho phép dạng hợp tác này thì cần
xúc tiến sớm các hoạt động ký kết các hiệp định hoặc thoả thuận như vậy. Đối
với các quốc gia thành viên mà pháp luật trong nước không cho phép việc hợp tác
thông qua các hiệp định hoặc thoả thuận như vậy, thì các điều khoản này của
Công ước TOC sẽ là một nguồn pháp lý quốc tế để xác định thẩm quyền pháp lý của
việc hợp tác thực thi pháp luật theo từng vụ việc cụ thể. Ngoài ra, Điều 27
khoản 3 Công ước TOC còn kêu gọi tất
cả các quốc gia thành viên nỗ lực hợp tác trong phạm vi khả năng của mình để
chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia thông qua việc sử dụng kỹ thuật hiện
đại. Các nhóm tội phạm có thể sử dụng công nghệ máy tính để thực hiện các hành
vi phạm tội như trộm cắp, tống tiền, lừa đảo và liên lạc với nhau hoặc điều
khiển các băng nhóm tội phạm thông qua hệ thống máy tính.
2.3.4. Dẫn độ tội phạm
Dẫn độ tội phạm là hoạt động tố tụng hình sự chủ yếu dựa
trên cơ sở các điều ước quốc tế, nhằm mục đích dẫn giải người phạm tội đang có
mặt tại một nước này đến một nước khác và giao cho cơ quan có thẩm quyền của
một nước khác đó để làm nhân chứng, cung cấp lời khai, nhận diện kẻ phạm
tội...tại cơ quan điều tra nước khác, hoặc để truy cứu trách nhiệm hình
sự, hoặc để tiếp tục truy tố hình sự,
hoặc để thi hành hình phạt người bị dẫn độ tại nước ngoài tiếp nhận.
Công ước TOC đưa ra các
tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu đối với việc dẫn độ tội phạm, khuyến khích các quốc
gia thông qua các cơ chế khác nhau để làm cho quá trình dẫn độ được hiệu quả hơn.
Công ước khuyến khích các quốc gia thành viên cụ thể hóa hoặc bổ sung các quy
định cụ thể thông qua các thoả thuận song phương hoặc khu vực về dẫn độ.
Điều 16 Công ước TOC quy định khá cụ thể vấn đề này, theo đó dẫn độ được thực hiện
đối với các hành vi phạm tội được Công ước này điều chỉnh hoặc trong những
trường hợp khi một hành vi phạm tội được đề cập đến trong Điều 3 Khoản 1(a)
hoặc (b) có liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức và người là đối tượng của
yêu cầu dẫn độ đang sống ở Quốc gia thành viên được yêu cầu, với điều kiện là
hành vi phạm tội dẫn đến việc dẫn độ đáng bị trừng phạt theo pháp luật trong
nước của cả quốc gia yêu cầu lẫn quốc gia được yêu cầu. Nghĩa vụ dẫn độ áp dụng
đối với các tội phạm được quy định theo Điều 3 Công ước TOC (phạm vi áp dụng)
bao gồm:
- Các hành vi phạm
tội được quy định trong các Điều 5, 6, 8 và 23 Công ước này và là các tội phạm
xuyên quốc gia (định nghĩa tại khoản 2 Điều 3 Công ước TOC) và liên quan đến
nhóm tội phạm có tổ chức (theo định nghĩa tại Điều 2 điểm a Công ước TOC).
- Các tội phạm nghiêm
trọng (theo định nghĩa tại Điều 2 điểm b Công ước TOC) khi các hành vi phạm tội
có tính chất xuyên quốc gia và liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức.
- Các tội phạm được
quy định trong các Nghị định thư, khi nó được xem là tội phạm theo quy định của
Điều 1 khoản 3 Công ước TOC hoặc theo từng Nghị định thư đính kèm Công ước TOC.
Nghĩa vụ dẫn độ cũng được áp dụng khi một tội phạm được
nhắc đến ở Điều 3 khoản 1 điểm a hoặc b Công ước TOC mà có liên quan đến một
nhóm tội phạm có tổ chức và người là đối tượng yêu cầu dẫn độ đang có mặt trên
lãnh thổ của nước được yêu cầu, có nghĩa là:
- Các tội phạm được quy định trong các Điều 5, 6, 8 và 23
Công ước TOC và người được dẫn độ đang có mặt trên lãnh thổ quốc gia được yêu
cầu dẫn độ và liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức.
- Các tội phạm nghiêm trọng khi người được dẫn độ đang có
mặt trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu dẫn độ và tội phạm liên quan đến
nhóm tội phạm có tổ chức.
Cuối
cùng, nghĩa vụ dẫn độ được áp dụng trong trường hợp tội phạm mà việc dẫn độ yêu
cầu phải bị trừng phạt theo pháp luật quốc gia của cả quốc gia yêu cầu và quốc
gia được yêu cầu dẫn độ. Yêu cầu của Công ước TOC về trách nhiệm hình sự song
song sẽ tự động được thoả mãn với các tội phạm quy định tại các Điều 6, 8 và 23
của Công ước TOC, bởi vì tất cả các quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ hình sự
hóa các hành vi này. Tuy nhiên, về các
yêu cầu liên quan đến các tội phạm được quy định tại Điều 5 của Công ước TOC hoặc
các tội phạm nghiêm trọng mà các quốc gia thành viên không bắt buộc phải hình
sự hóa, thì không có nghĩa vụ phải dẫn độ trừ khi yêu cầu về trách nhiệm hình sự song song được thoả mãn
đầy đủ.
2.3.5. Tương trợ tư pháp về hình
sự
Điều 18 Công ước quy định khá cụ thể về tương
trợ tư pháp về hình sự.
(a)
Phạm vi tương trợ tư pháp
Điều 18 khoản 1 Công ước TOC quy định phạm vi nghĩa vụ tương trợ
tư pháp, theo đó, các quốc gia thành viên được yêu cầu phải cung cấp các biện
pháp tương trợ tư pháp có hiệu quả nhất trong việc điều tra, truy tố và xét xử
liên quan đến các hành vi phạm tội được quy định tại Điều 3 Công ước TOC. Mỗi
quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các hiệp định tương trợ tư pháp mà mình
ký kết và pháp luật về tương trợ tư pháp phải quy định về hợp tác trong điều
tra, truy tố và các thủ tục tư pháp khác. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên
có nghĩa vụ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, thực hiện tương trợ pháp lý
tương tự nếu quốc gia yêu cầu tương trợ có các lý do chính đáng để nghi ngờ
hành vi phạm tội như được nêu trong Điều 3, Khoản 1 (a) hoặc (b) Công ước TOC,
có tính chất xuyên quốc gia, bao gồm việc các nạn nhân, nhân chứng, tài sản,
phương tiện hoặc chứng cứ của các hành vi phạm tội đó đang nằm tại quốc gia
thành viên được yêu cầu và tội phạm đó có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ
chức. Điều này có nghĩa là nghĩa vụ tương trợ tư pháp cũng được áp dụng đối
với:
(a) Các hành vi phạm tội được quy
định trong các Điều 5, 6, 8 và 23
Công ước TOC, khi có các lý do chính đáng để nghi ngờ rằng các nạn nhân, nhân
chứng, tài sản, phương tiện hoặc chứng cứ của các hành vi phạm tội đó đang nằm
tại quốc gia thành viên được yêu cầu và tội phạm đó có liên quan đến nhóm tội
phạm có tổ chức
(b) Các tội phạm nghiêm trọng khi có
các lý do chính đáng để nghi ngờ rằng các nạn nhân, nhân chứng, tài sản, phương
tiện hoặc chứng cứ của các hành vi phạm tội đó đang nằm tại quốc gia thành viên
được yêu cầu và tội phạm đó có liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức.
Nếu luật pháp và các hiệp định về
tương trợ tư pháp hiện hành của quốc gia thành viên không bao gồm tất cả các
tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 3 Công ước TOC thì việc sửa đổi, bổ sung các
quy định này là cần thiết. Khi soạn thảo các văn bản pháp luật đặt ra thẩm quyền
thi hành các đề nghị về tương trợ tư pháp, các nhà lập pháp nên chú ý rằng tiêu
chuẩn đối với các đề nghị tương trợ và điều khoản về tương trợ tư pháp hơi rộng
hơn so với việc áp dụng phần lớn các nghĩa vụ khác trong Công ước TOC và Nghị
định thư đính kèm Công ước TOC. Điều này đặt ra tiêu chuẩn để chứng minh ở mức
thấp hơn, tạo điều kiện cho các đề nghị tương trợ để xác định liệu có các yếu
tố xuyên quốc gia và phạm tội có tổ chức và liệu việc hợp tác quốc tế có cần
thiết và cần được tiến hành về các biện pháp tiếp theo như điều tra, truy tố
hoặc dẫn độ theo quy định của Công ước TOC hay không. Điều này rất quan trọng
bởi vì tiêu chuẩn này được phản ánh trong pháp luật quốc gia về thực thi Công ước TOC.
(b)Tương trợ tư pháp trong thủ tục tố tụng
liên quan đến pháp nhân
Điều 18 khoản 2 Công ước TOC quy định tương trợ tư pháp có thể được thực hiện đến mức cao
nhất có thể theo pháp luật quốc gia và hiệp định, thỏa thuận quốc tế có liên
quan về điều tra, truy tố và thủ tục tư pháp đối với các tội phạm mà pháp nhân
có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 10 Công ước TOC.
Một quốc gia thành viên cần có khả năng cung cấp các biện
pháp tương trợ tư pháp về điều tra, truy tố và thủ tục tư pháp liên quan đến
hành vi của pháp nhân. Tại đây, một số quyền tự quyết cũng được dành cho các
quốc gia thành viên liên quan đến phạm vi tương trợ. Khi một quốc gia thành
viên thiếu thẩm quyền pháp lý để thực hiện tương trợ về điều tra, truy tố và
thủ tục tư pháp đối với pháp nhân, việc sửa đổi, bổ sung pháp luật trong nước về
vấn đề này là cần thiết.
(c) Các mục đích tương trợ tư pháp được quy định
Điều 18 khoản 3 Công
ước TOC quy định khá cụ thể những
dạng tương trợ tư pháp mà một quốc gia thành viên có thể phải thực hiện:
(a) Lấy chứng cứ hoặc lời khai;
(b) Thực hiện tống đạt giấy tờ tư
pháp;
(c) Thực hiện khám xét, tạm giữ, và
niêm phong;
(d) Khám nghiệm đồ vật và hiện
trường;
(e) Cung cấp thông tin, vật chứng
và đánh giá của người giám định;
(f) Cung cấp tài liệu và hồ sơ gốc hoặc bản
sao đã được chứng thực, kể cả tài liệu của chính phủ, ngân hàng, các hồ sơ tài chính, các hồ sơ của nghiệp đoàn
hoặc hồ sơ kinh doanh;
(g) Nhận dạng hoặc phát hiện tài sản
do phạm tội mà có, tài sản, công cụ hoặc các đồ vật khác để phục vụ mục đích
thu thập chứng cứ;
(h) Tạo điều kiện thuận lợi cho việc
trình diện tự nguyện của những cá nhân liên quan tại Quốc gia yêu cầu;
(i) Bất kỳ
hình thức tương trợ nào khác không trái với pháp luật trong nước của quốc gia
thành viên được yêu cầu.
(d) Thủ tục phải theo trong trường hợp không có hiệp định về tương trợ tư
pháp
Điều 18 khoản 7 Công ước TOC quy định trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp
có hiệu lực giữa quốc gia thành viên muốn tương trợ và quốc gia thành viên được
yêu cầu tương trợ, các nguyên tắc tương trợ tư pháp được quy định tại Điều 18,
khoản 9-29 được áp dụng đối với việc cung cấp các dạng tương trợ nêu tại khoản
3 Điều 18 Công ước TOC. Nếu một hiệp
định đang có hiệu lực giữa các quốc gia thành viên có liên quan, thì các nguyên
tắc của hiệp định đó sẽ được áp dụng trừ phi các quốc gia thoả thuận áp dụng
các khoản từ 9-29 của Điều 18 Công ước TOC
.
Đối với nhiều quốc gia mà hệ thống pháp luật cho phép áp
dụng trực tiếp hiệp định quốc tế, thì không cần thiết phải có bất kỳ một sự sửa
đổi, bổ sung pháp luật nào trong nước của quốc gia đó. Nếu hệ thống pháp luật
của quốc gia thành viên không cho phép áp dụng trực tiếp các điều khoản này thì
cần thiết phải tiến hành một số sửa đổi, bổ sung pháp luật để bảo đảm rằng
trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp, các quy định từ khoản
9-29 của Điều 18 Công ước TOC được
áp dụng đối với đề nghị tương trợ thực hiện theo Công ước này chứ không áp dụng
khác đi. Các quy định này về bản chất, có thể mang tính chung, có hiệu lực đối
với các vụ việc thuộc phạm vi của Điều 18 Công ước TOC, và trong trường hợp không có hiệp định với quốc gia thành
viên có liên quan thì các quy định của
khoản 9-29 của Điều 18 Công ước TOC sẽ
được áp dụng. Các quốc gia thành viên cũng được khuyến khích mạnh mẽ tuy không
phải là nghĩa vụ, việc áp dụng các quy định của khoản 9-29 của Điều 18 Công ước TOC nếu họ cung cấp sự tương trợ hợp tác ở phạm vi rộng
hơn các vấn đề đã quy định trong hiệp định
tương trợ có hiệu lực giữa các quốc gia này.
(e) Cấm từ chối tương trợ tư pháp vì lý do bí mật ngân hàng
Điều 18 khoản 8 Công
ước TOC quy định các quốc gia thành
viên không được từ chối tương trợ tư pháp quy định tại Điều 18 Công ước TOC
vì lý do bí mật ngân hàng. Vấn đề cơ bản là điều khoản này không thuộc
các điều khoản chỉ áp dụng trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư
pháp. Thay vào đó, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo đảm rằng không một
lý do từ chối tương trợ tư pháp như vậy có thể được đưa vào trong pháp luật
hoặc hiệp định về tương trợ tư pháp.
(f) Các biện pháp được áp dụng trong trường hợp không có hiệp định tương
trợ tư pháp
Các hành động cần thiết để thi hành
Điều 18 khoản 9-29 Công ước TOC quy định các thủ tục và cơ chế nhất định phải
áp dụng trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia
thành viên có liên quan đã nêu ở trên trong các điều khoản chung liên quan đến
Điều 18 khoản 7 Công ước TOC. Một vài quốc gia thành viên thông thường sẽ áp
dụng các quy định này một cách trực tiếp khi chúng liên quan đến một đề nghị tương trợ cụ thể,
bởi vì theo hệ thống pháp luật của các nước này, thì các điều khoản của Công
ước TOC có thể được áp dụng trực tiếp. Còn đối với các quốc gia mà hiệp định
không được áp dụng trực tiếp thì một cách dễ dàng nhất là cơ quan lập pháp
thông qua một thẩm quyền cho phép áp dụng trực tiếp các điều khoản từ 9-29 Công
ước TOC.
2.3.6. Bảo vệ
nhân chứng và nạn nhân
Điều
24 và 25 của Công ước TOC tập trung vào những nỗ lực quan trọng nhằm ngăn ngừa
thủ phạm của các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phá hoại tính liêm chính
trong tiến trình tư pháp hình sự và tự bảo vệ mình cũng như các khoản lời bất
chính của mình thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Trong phần trên, chúng ta đã
phân tích về sự cần thiết phải đấu tranh một cách có hiệu quả với những hành vi
liên quan đến hoạt động tham nhũng của công chức và cản trở công lý. Những phân
tích đó đã cho thấy nhiều quy định của Công ước TOC đã quy định các nghĩa vụ bắt
buộc cũng như các giải pháp tuỳ nghi của các quốc gia Thành viên liên quan đến
vấn đề này.
Điều 24 Công ước TOC bổ sung những quy định này
liên quan đến nhân chứng bằng việc yêu cầu các quốc gia phải thi hành các biện
pháp thích hợp để đối phó với khả năng các nhân chứng bị đe dọa hoặc bị trả thù và tăng cường hiệu quả bảo vệ nhân chứng
thông qua việc thúc đẩy các quy tắc về tố tụng và chứng cứ.
Tuy
nhiên, để công lý được thực hiện thì còn cần đặc biệt quan tâm đến nạn nhân cũng
phải được thực hiện bởi họ cũng có thể là nhân chứng, đồng thời sự bảo vệ đối với họ là đặc biệt
quan trọng do những thiệt hại về thể chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu từ
tội phạm xuyên quốc gia.
Trong một thời gian dài, các quyền của nạn nhân đã không được quan tâm đúng
mức. Tuy nhiên, gần đây một số sáng kiến đã được tiến hành không chỉ liên quan
tới vị thế của họ trong quá trình tố tụng mà còn liên quan cả đến việc đền bù,
bồi thường và những sự giúp đỡ cụ thể nhằm đem lại sự phục hồi trọn vẹn nhất
cho họ nếu có thể. Công ước TOC đã thừa nhận tầm quan trọng trong việc làm giảm
bớt tác động của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đến các cá nhân và các nhóm dễ
bị tổn thương. Điều 25 của Công ước TOC đòi hỏi các quốc gia phải tiến hành các
biện pháp bảo vệ nạn nhân khỏi sự trả thù và đe doạ và bảo đảm rằng các quốc
gia sẽ áp dụng các thủ tục dành cho việc
bồi thường và hoàn trả. Thêm nữa, các quốc gia
cũng sẽ phải xem xét đến tương
lai của các nạn nhân căn cứ vào các nguyên
tắc pháp lý trong nước và phù hợp với các quyền của các bị cáo.
3. CÔNG ƯỚC VỀ CHỐNG
BUÔN BÁN BẤT HỢP PHÁP
CÁC CHẤT MA TÚY VÀ
CÁC CHẤT HƯỚNG THẦN
Công ước được Hội nghị của Liên Hợp quốc về
việc Thông qua Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất
hướng thần họp tại Viên từ ngày
25.11.1988 đến ngày 20.12.1988 thông qua. Công ước đước mở cho các nước ký từ
ngày 20.12.1988 đến 28.02.1989 tại Văn phòng LHQ ở Viên, sau đó đến ngày 20.12.1989
tại trụ sở của LHQ ở New York.
Công ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11.11.1990, có 184 nước là thành viên
(đến ngày 22.02.2010). Việt Nam gia nhập ngày 04.11.1997 kèm bảo lưu đối với
Điều 6 về Dẫn độ, Điều 32 khoản 2 và khoản 3 về giải quyết tranh chấp.
3.1. Những thông tin chung về Công ước
Với 34 điều khoản và 02 Bảng phụ lục, Công ước đã đề cập đến nhiều vấn đề
thuộc công pháp quốc tế, pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự quốc tế
được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Công ước đặt vấn đề chống buôn bán bất hợp
pháp các chất ma túy và các chất hướng thần trong quan hệ kết nối chặt chẽ với
các điều ước quốc tế nhiều bên về các chất ma túy và các chất hướng thần, đặc
biệt là Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy (Công
ước 1961); Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy đã được
bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định thư Geneva ngày 25.03.1972 (Công ước 1961 đã sửa
đổi) và Công ước Viên ngày 21.02.1971 về các chất hướng thần (Công ước 1971).
3.2. Những quy định chung
a,
Mục đích của Công ước
Mục đích chung nhất của Công ước là thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước thành
viên Công ước trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật quốc tế nhằm giải quyết
có hiệu quả những vấn đề khác nhau về kiểm soát hoạt động buôn bán bất hợp pháp
trên bình diện quốc tế các chất ma túy và các chất hướng thần thông qua việc áp
dụng các biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp mang tính tổ chức và biện
pháp lập pháp phù hợp với các quy định cơ bản của pháp luật trong nước của nước
thành viên.
b,
Phạm vi của Công ước
Công ước đã xác định phạm vi, nguyên tắc, thủ tục và các
biện pháp cần thiết trong hoạt động chống buôn bán bất hợp pháp trên bình diện
quốc tế các chất ma túy và các chất hướng thần, đưa ra một số quy định thống
nhất về cách hiểu các chất ma túy và các chất hướng thần (Điều 1,12), về tội
phạm và hình phạt trong lĩnh vực này (Điều 3), về hợp tác trong các lĩnh vực cụ
thể như: xử lý xung đột về quyền tài phán (Điều 4), tịch thu và xử lý tài sản
phạm tội (Điều 5), dẫn độ (Điều 6), tương trợ tư pháp về hình sự (Điều 7), chuyển
giao tài liệu hồ sơ vụ án (Điều 8), chuyển giao hàng hóa có kiểm soát (Điều
11), các biện pháp loại trừ việc trồng cây có các chất ma túy và các chất hướng
thần (Điều 14), vận chuyển thương mại và các quy định liên quan(Điều 15,16),
các quy định về cơ quan quốc tế thực thi Công ước (Điều 21-23) và một số quy
định khác.
3.3. Một số quy định cụ thể
3.3.1. Hình sự hóa
các hành vi phạm pháp
- Điều 3 của Công ước đã
quy định vấn đề này, theo đó các nước thành viên Công ước sẽ áp dụng những biện
pháp cần thiết trên cơ sở pháp luật của mình để hình sự hóa những hành vi dưới
đây nếu chúng được cố ý thực hiện:
Thứ nhất, là các hành vi:
+ i) Sản xuất, điều chế,
chiết xuất, pha chế, chào hàng, phân phối,bán, trao đổi dưới bất cứ hình thức
nào như môi giới, gửi, quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu các chất ma
tuý và các chất hướng thần trái với các quy định của Công ước 1961, Công ước
1961 sửa đổi hoặc Công ước 1971;
+ ii) Trồng cây thuốc
phiện, cây côca hay cây cần sa với mục đích sản xuất trái phép các chất ma tuý
trái với các quy định của Công ước 1961 và Công ước 1961 sửa đổi;
+ iii) Tàng trữ hoặc mua bán bất kỳ chất ma tuý hoặc chất hướng thần nào
với mục đích thực hiện bất kỳ hoạt động nào quy định tại điểm (i) nói trên;
+ iv) Điều chế, vận chuyển hay
cung cấp phương tiện, nguyên liệu hoặc các chất trong các Bảng I và Bảng II của
Phụ lục đính kèm Công ước mà biết rõ những chất đó được sử dụng để trồng trọt,
sản xuất, điều chế trái phép các chất ma tuý hoặc các chất hướng thần;
+ v) Tổ chức, chỉ đạo hoặc
tài trợ cho bất kỳ hành vi phạm tội nào quy định tại các điểm (i), (ii), (iii)
hoặc (iv) nói trên;
Thứ hai, là các hành vi:
+ i) Chuyển đổi hoặc chuyển giao tài sản khi
biết rằng tài sản đó thu được từ bất kỳ hành vi phạm tội nào được quy định tại nhóm
thứ nhất nêu trên hoặc từ việc tham gia vào hoạt động phạm tội đó với mục đích
che giấu hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản hoặc giúp bất kỳ
người nào có dính líu vào hành vi phạm tội như vậy trốn tránh trách nhiệm hình
sự của hành vi đó;
+ ii) Che giấu hoặc nguỵ trang
bản chất thực sự nguồn gốc, địa điểm, chuyển nhượng, chuyển quyền sở hữu tài
sản mà biết rõ tài sản đó thu được từ hoạt động phạm tội đã được quy định tại nhóm
thứ nhất nêu trên;
Thứ ba, là các hành vi:
+ i) Sở hữu tài sản hoặc sử dụng
tài sản theo những quy định của Hiến pháp và những khái niệm cơ bản của hệ
thống pháp luật của từng nước mà vào thời điểm đó biết rõ đấy là tài sản do
phạm tội quy định tại nhóm thứ nhất nêu trên hoặc do tham gia vào những hoạt
động phạm tội đó mà có;
+ ii) Tàng trữ theo những quy
định của Hiến pháp và những khái niệm cơ bản của hệ thống pháp luật của từng
nước những phương tiện, nguyên liệu hoặc các chất liệt kê trong Bảng I và Bảng
II của Phụ lục đính kèm Công ước mà biết rõ những thứ đó đang hoặc sẽ được sử
dụng trái phép cho các mục đích trồng, sản xuất hoặc điều chế các chất ma tuý
và các chất hướng thần;
+ iii) Bằng mọi cách kích
động hoặc xúi giục người khác phạm tội quy định tại Điều 3 Công ước hoặc sử
dụng trái phép các chất ma tuý và các chất hướng thần;
+ iv) Tham gia, cấu kết hoặc
có âm mưu phạm các tội quy định tại Điều 3 Công ước, cũng như có hành vi giúp
sức, xúi giục, thúc đẩy hoặc dụ dỗ người khác phạm bất kỳ tội nào quy định tại
Điều 3 Công ước này.
- Điều 3 của Công ước còn quy
định các nước thành viên Công ước cần có
những biện pháp cần thiết trên cơ sở những quy định của Hiến pháp và pháp luật của mình để hình sự hóa các hành vi
theo pháp luật hình sự của nước mình, kể cả khi các hành vi nói trên là sự cố ý
sử dụng, tàng trữ hoặc trồng các loại cây có chất ma tuý hoặc chất hướng thần nhằm
phục vụ cho mục đích cá nhân trái với những quy định của Công ước 1961, Công
ước 1961 sửa đổi hoặc Công ước 1971.
- Điều 3 của Công ước cũng
quy định trách nhiệm của các nước thành viên Công ước bảo đảm để các toà án và
các cơ quan khác có thẩm quyền có thể xem xét những tình tiết sau đây là tình
tiết tăng nặng đối với các tội quy định
tại Điều 3 nêu trên của Công ước này:
+ Tham gia hành vi phạm tội
của một nhóm tội phạm có tổ chức mà kẻ phạm tội là một thành viên;
+ Kẻ phạm tội là người tham
gia vào những hoạt động phạm tội có tổ chức mang tính chất quốc tế khác;
+ Kẻ phạm tội là người tham
gia vào những hoạt động bất hợp pháp khác được thực hiện nhờ có các hành vi
phạm tội đã nêu;
+ Kẻ phạm tội có sử dụng vũ
lực hoặc vũ khí để thực hiện tội phạm;
+ Trên thực tế, kẻ phạm tội
là người có chức vụ và đã lợi dung chức vụ đó để phạm tội;
+ Kẻ phạm tội đã lôi kéo hoặc
sử dụng người chưa thành niên để phạm tội;
+ Phạm tội trong trại giam
hoặc trong cơ sở giáo dục hoặc cơ sở dịch vụ xã hội hoặc trong vùng lân cận
hoặc ở những nơi học sinh và sinh viên đến để chơi, thể thao, học hành và các
hoạt động xã hội khác;
+ Kẻ phạm tội đã bị kết án
trước đó đặc biệt đối với những hành vi phạm tội tương tự dù ở trong nước hay
nước ngoài, trong phạm vi tôi danh mà pháp luật hình sự hiện hành của mỗi bên quy
định.
- Điều 3 của Công ước còn
quy định trách nhiệm của các nước thành viên Công ước không được coi các tội
phạm quy định tại Công ước này là tội phạm tài chính hoặc tội phạm chính trị
hoặc tội phạm có động cơ chính trị, không gây tổn hại đến các chế định của Hiến
pháp và các đạo luật cơ bản của các bên. Điều 3 của Công ước khẳng định các quy
định của Điều 3 này hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguyên tắc tôn trọng thẩm
quyền của mỗi thành viên Công ước trong xác
định các tội phạm nói trong Điều này theo nội luật của thành viên đó và việc
truy cứu trách nhiệm hình sự và xử phạt những kẻ phạm tội phải tuân theo pháp
luật của nước thành viên đó.
3.3.2. Quyền tài phán
Điều 4 của Công ước quy định các nước thành viên Công ước có trách nhiệm:
- Áp dụng các biện pháp cần
thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với các tội phạm được quy định
tại Điều 3 Công ước, khi:
+ Tội phạm được thực hiện
trên lãnh thổ của nước mình;
+ Tội phạm được thực hiện
trên tàu có treo cờ quốc tịch của nước mình hoặc trên máy bay được đăng ký theo
luật của mình vào thời điểm phạm tội;
- Đề ra những biện pháp khi
cần thiết để thiết lập quyền tài phán đối với các tội phạm được quy định tại
Điều 3, khi:
+ Người phạm tội là công dân
nước mình hoặc là người đang thường trú trên lãnh thổ của nước mình;
+ Tội phạm được thực hiện
trên tàu mà nước mình được phép có những hành động thích hợp theo quy định của
Công ước này với điều kiện là quyền tài phán này chỉ được thực hiện trên cơ sở
những hiệp định hoặc những thoả thuận quy định phù hợp với mục đích của Công
ước;
+ Tội phạm thuộc một trong
những hành vi quy định tại Điều 3 mà được thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ của
nước mình.
Điều 4 của Công ước cũng quy
định trách nhiệm của các nước thành viên Công ước phải:
- Thực hiện các biện pháp cần
thiết để thiết lập quyền tài phán đối với các tội phạm được quy định tại Điều 3
Công ước khi một người được coi là phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của mình
và sẽ không dẫn độ người đó cho nước khác vì lý do:
+ Tội phạm được thực hiện hoàn thành trên
lãnh thổ nước mình hoặc trên tàu có treo cờ quốc tịch nước mình hoặc trên máy
bay được đăng ký theo luật của mình vào thời điểm phạm tội;
+ Người phạm tội là công dân
của nước mình.
Các nước thành viên Công ước
cũng có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán đối
với các tội phạm được quy định tại Điều 3 Công ước khi một người bị nghi là
phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của nước mình và sẽ không dẫn độ người này
cho nước khác.
Công ước này không loại trừ việc các nước
thành viên Công ước thi hành bất kỳ quyền tài phán hình sự nào theo pháp luật
của mỗi nước thành viên.
3.3.3. Dẫn độ tội phạm
- Điều 6 của Công ước quy
định các vấn đề dẫn độ tội phạm liên quan đến các tội được nêu tại Điều 3 Công
ước, theo đó các nước thành viên Công ước sẽ đưa các tôi phạm này vào các điều
ước quốc tế mà các nước này sẽ ký trong tương lai. Trong trường hợp chưa có điều
ước quốc tế về dẫn độ, thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để thực
hiện việc dẫn độ bất kỳ tội phạm nào mà Công ước này quy định áp dụng. Đối với
những nước thành viên Công ước mà pháp luật trong nước yêu cầu cần có văn bản
pháp luật trong nước chi tiết để sử dụng Công ước này như cơ sở pháp lý để dẫn
độ tội phạm, thì nước thành viên đó sẽ tự cân nhắc để thông qua văn bản pháp
luật đó khi cần thiết.
- Việc dẫn độ được tiến hành phù hợp với những
điều kiện do pháp luật của nước thành
viên Công ước được yêu cầu dẫn độ quy định hoặc theo quy định của điều ước quốc
tế cụ thể về dẫn độ, kể cả những căn cứ mà bên được yêu cầu có thể dựa vào để
từ chối dẫn độ. Khi xem xét những yêu cầu nhận được theo Công ước này, bên được
yêu cầu có thể từ chối thực hiện yêu cầu đó nếu có những lý do xác đáng để cho
rằng thực hiện yêu cầu này sẽ tạo điều kiện cho việc xét xử hoặc trừng phạt bất
kỳ ai vì lý do nòi giống, tôn giáo, quốc tịch hoặc quan điểm chính trị, hoặc có
thể làm thiệt hại cho bất kỳ người nào vì những lý do nêu trên. Các bên cố gắng
đẩy nhanh thủ tục dẫn độ và đơn giản hoá việc đòi hỏi xuất trình các chứng cứ
liên quan đến việc dẫn độ các tội phạm theo Công ước. Căn cứ vào quy định của
pháp luật và các điều ước dẫn độ của mình, bên được yêu cầu nếu xét thấy cấp
thiết và cũng là đề nghị của bên yêu cầu, thì có thể bắt tạm giam người bị dẫn
độ đáng ở trên lãnh thổ của mình, hoặc áp dụng những biện pháp thích hợp khác
để bảo đảm sự có mặt của người này khi dẫn độ.
- Tuy có quy định về nghĩa vụ
dẫn độ, nhưng Điều 6 của Công ước cũng khẳng định rõ nghĩa vụ đó không ảnh
hưởng đến việc nước thành viên Công ước thực hiện quyền tài phán hình sự theo
nội luật của mình trong các trường hợp sau đây khi người bị coi là phạm tội ở
trên lãnh thổ nước thành viên Công ước đó:
+ Nếu nước thành viên Công
ước đã không dẫn độ người đó vì tội phạm đã nói tại Điều 3 Công ước đã hoàn
thành và vụ án được chuyển giao cho các cơ quan có thẩm quyền của nước mình để
truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác với bên yêu
cầu;
+ Nếu người bị yêu cầu dẫn độ
để thi hành án là công dân của nước thành viên được yêu cầu dẫn độ, thì nước được
yêu cầu căn cứ vào pháp luật nước mình và theo đề nghị của nước yêu cầu mà xem
xét việc thi hành toàn bộ hoặc một phần bản án theo pháp luật của bên yêu cầu.
3.3.4. Tương trợ tư pháp
- Điều 7 của Công ước quy định các vấn đề về tương trợ tư pháp về hình sự,
theo đó các nước thành viên Công ước sẽ dành cho nhau sự tương trợ tư pháp rộng
rãi nhất trong việc điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm quy định tại Điều
3 của Công ước. Theo Điều này, tương trợ tư pháp có thể nhằm những mục đích
sau: Thu thập chứng cứ hoặc lời khai; Tìm hiểu hồ sơ vụ án; Tiến hành việc khám
xét và bắt giữ; Kiểm tra đồ vật và các địa điểm; Cung cấp thông tin và các vật chứng; Cung cấp các bản gốc hoặc bản sao có chứng thực
của những tài liệu và tư liệu liên quan kể cả những dữ liệu về ngân hàng, tài
chính, công ty hoặc hồ sơ kinh doanh; Xác định hoặc làm rõ những thu thập, tài
sản, công cụ hoặc các đồ vật khác nhằm mục đích chứng minh.
- Điều 7 của Công ước còn quy
định các nước thành viên Công ước có thể dành cho nhau bất kỳ những hình thức
tương trợ tư pháp nào khác mà pháp luật của nước được yêu cầu cho phép. Theo đề
nghị, các nước thành viên Công ước tạo điều kiện trong chừng mực pháp luật và
thực tiễn nước mình cho phép, để những người, kể cả người đang bị bắt giữ đồng
ý giúp công tác điều tra hoặc tham gia vào việc xét xử vụ án. Các nước thành
viên Công ước không được từ chối việc tương trợ tư pháp vì lý do bí mật ngân
hàng.
- Tuy có quy định về nghĩa vụ
dẫn độ, nhưng Điều 7 của Công ước cũng khẳng định rõ nghĩa vụ đó không ảnh
hưởng đến các nghĩa vụ tương trợ tư pháp đối với các vụ án hình sự theo các
điều ước song phương hoặc đa phương của nước thành viên.
- Các nước thành viên Công ước
chỉ định một hoặc nhiều cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền thực hiện những
yêu cầu về tương trợ tư pháp hoặc chuyển các yêu cầu đó cho các cơ quan có thẩm
quyền để thực hiện. Tổng thư ký Liên Hợp quốc sẽ được thông báo về một hoặc
nhiều cơ quan có thẩm quyền làm việc này. Việc chuyển yêu cầu về tương trợ tư
pháp và mọi thông tin liên quan do các
cơ quan đã được các bên chỉ định thực hiện; quy định này không ảnh hưởng đến
quyền của nước thành viên Công ước yêu
cầu được chuyển những đề nghị và thông tin qua đường ngoại giao và trong trường
hợp cấp bách được chuyển qua kênh của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế nếu có
thể được.
- Yêu cầu về tương trợ tư pháp
phải ghi rõ: Tên cơ quan yêu cầu; Đối tượng và tính chất của việc điều tra,
truy tố hoặc xét xử được yêu cầu và tên, chức năng của cơ quan tiến hành điều
tra, truy tố, xét xử; Tóm tắt các dữ kiện liên quan, trừ yêu cầu đòi hỏi tìm
hiểu tài liệu xét xử; Nội dung công việc cần được giúp đỡ và những điểm chi
tiết về bất kỳ thủ tục cụ thể nào mà bên yêu cầu mong muốn; Nếu có thể được thì
cung cấp về lai lịch, chỗ ở và quốc tịch của bất kỳ người nào liên quan; Mục
đích của việc thu thập chứng cứ, thông tin hoặc áp dụng các biện pháp. Bên được
yêu cầu có thể đề nghị bên yêu cầu cung cấp thêm thông tin cần thiết để thực
hiện yêu cầu đó theo đúng pháp luật hiện hành của nước họ hoặc để tạo điều kiện
thuận lợi cho việc thực hiện yêu cầu này. Yêu cầu được thưc hiện theo đúng pháp
luật của bên được yêu cầu và bảo đảm không trái với pháp luật của bên được yêu
cầu khi thực hiện các thủ tục do yêu cầu đó đề ra. Bên yêu cầu không được
chuyển hoặc không sử dụng những thông tin hoặc chứng cứ do bên được yêu cầu
chuyển cho để tiến hành việc điều tra, truy tố hoặc xét xử khác với những điều
được nêu trong yêu cầu nếu không có sự thoả thuận trước của bên được yêu cầu. Bên
yêu cầu có thể đề nghị bên được yêu cầu giữ bí mật về sự việc, nội dung của yêu
cầu trừ những điều cần htiết để thực hiện chính yêu cầu đó. Nếu bên được yêu cầu
không thể thực hiện được đề nghị giữ bí mật thì phải thông báo ngay cho bên yêu
cầu biết.
- Tương trợ tư pháp có thể bị
khước từ: Nếu yêu cầu không phù hợp với những quy định của Điều này; Nếu bên
được yêu cầu xét thấy việc thực hiện yêu cầu đó sẽ gây tổn hại đến chủ quyền,
an ninh, trật tự công cộng hoặc những lợi ích quan trọng khác; Nếu pháp luật
của nước được yêu cầu cấm các cơ quan chức năng của mình thực hiện yêu cầu đối
với hành vi phạm tội tương tự thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố hoặc xét xử
của chính các cơ quan đó; Nếu yêu cầu trái với những quy định của hệ thống pháp
luật của nước được yêu cầu. Bất kỳ sự khước từ nào trong tương trợ tư pháp đều
phải nêu rõ lý do. Bên được yêu cầu có thể trì hoãn việc tương trợ tư pháp với
lý do là ảnh hưởng đến tiến trình điều tra, truy tố hoặc xét xử. Trong trường
hợp này bên được yêu cầu sẽ trao đổi với bên yêu cầu để xác định xem có thể
tiến hành việc tương trợ tư pháp vào thời gian nào và với những điều kiện nào
mà bên được yêu cầu cho là cần thiết.
- Nhân chứng, giám định viên
hoặc người nào khác đồng ý cung cấp chứng cứ trước toà án hoặc giúp việc điều
tra, truy tố hoặc xét xử trên lãnh thổ của bên yêu cầu thì không bị khởi tố,
bắt giữ, xử phạt hoặc bị hạn chế tự do cá nhân trên lãnh thổ đó về những hành
vi vi phạm hoặc kết án trước khi người đó rời khỏi lãnh thổ của bên được yêu
cầu. Sự bảo đảm an toàn cá nhân cho những người này sẽ chấm dứt sau 15 ngày
hoặc sau một khoảng thời gian nhất định do các bên thoả thuận kể từ ngày những
người đó được các cơ quan tư pháp chính thức thông báo là sự có mặt lâu hơn của
họ không cần htiết nữa; tuy nhiên, những người này có thể tự nguyện ở lại hoặc
rời khỏi lãnh thổ nước đó. Bên được yêu cầu sẽ chịu mọi chi phí thông htường
đối với việc giải quyết yêu cầu trừ khi các bên liên quan có thoả thuận khác.
Nếu là chi phí lớn hoặc bất thường thì các bên sẽ bàn bạc để xác định thời hạn
và điều kiện thực hiện yêu cầu, cũng như quyết định phương thức thanh toán
những chi phí đó. Trong trường hợp cần thiết, các bên sẽ xem xét khả năng ký
kết những hiệp định hoặc thoả thuận song phương hoặc đa phương để đáp ứng mục
tiêu của Điều này cũng như bảo đảm và nâng cao hiệu lực thực tế của nó.
2.3.3.
Hợp tác quốc tế
a, Những hình thức hợp tác và đào tạo khác
- Công ước quy định các nước
thành viên Công ước hợp tác chặt chẽ với nhau phù hợp với hệ thống hành chính
và luật pháp riêng của mỗi nước nhằm nâng cao hiệu quả của việc thi hành pháp
luật để trấn áp các tội phạm quy định tại Điều 3 Công ước.
- Công ước nhấn mạnh các nước
thành viên Công ước dựa trên cơ sở những hiệp định hoặc thoả thuận song phương
hoặc đa phương để:
+ Thiết lập và duy trì các
kênh liên lạc giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau nhằm tạo điều kiện an
toàn và trao đổi nhanh những thông tin liên quan đến mọi khía cạnh của các tội
phạm quy định tại Điều 3 Công ước, kể cả những thông tin liên quan đến những
hoạt động phạm tội khác nếu các bên liên quan cho là thích hợp.
+ Hợp tác với nhau trong
việc điều tra các tội phạm quy định tại Điều 3 Công ước có tính chất quốc tế
nhằm làm rõ: i) Nhân thân, nơi cư trú và hoạt động của những người bị tình nghi
tham gia vào các tội quy định tại Điều 3 Công ước; ii) Việc di chuyển những thu
nhập hoặc tài sản có được do phạm các tội nói trên; iii) Việc di chuyển các
chất ma tuý, các chất hướng thần, các chất quy định trong Bảng I và II Phụ lục
của Công ước này và các công cụ đã sử dụng hoặc dự định sử dụng để phạm tội.
+ Thành lập những đội phối
hợp để điều tra trong trường hợp cần thiết và không trái với pháp luật của mỗi nước
thành viên; chú ý đến sự cần thiết bảo vệ an toàn cho người và quá trình hoạt động nhằm thực hiện
các quy định của khoản này. Viên chức của bất kỳ nước thành viên nào tham gia
các đội đó sẽ hoạt động theo sự uỷ quyền của các cơ quan có thẩm quyền thích
hợp của nước thành viên nơi đang tiến hành những hoạt động phối hợp điều tra;
trong tất cả các trường hợp như vậy các nước thành viên liên quan đảm bảo hoàn
toàn tôn trọng chủ quyền của nước thành viên nơi tiến hành hoạt động phối hợp
điều tra.
+ Trong trường hợp cần thiết,
cung cấp mẫu các chất với số lượng cần thiết để nghiên cứu phân tích hoặc điều
tra.
+ Tạo điều kiện cho việc phối
hợp có hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan trực thuộc, và
tăng cường trao đổi nhân viên và các chuyên gia khác, kể cả bố trí các nhân
viên liên lạc.
- Trong giới hạn cần thiết,
mỗi nước thành viên xây dựng thực hiện hoặc hoàn thiện các chương trình cụ thể
về đào tạo nhân viên các cơ quan hành pháp và các cơ quan khác kể cả lực lượng
hải quan chịu trách nhiệm ngăn chặn các tội phạm quy định tại Điều 3 Công ước.
Những chương trình đào tạo đó đề cập đến những điểm cụ thể sau đây: Các phương
pháp phát hiện và ngăn chặn các tội phạm quy định tại Điều 3 Công ước; Các tuyến
đường buôn lậu và các phương tiện mà các đối tượng bị nghi ngờ là liên quan đến
các hành vi phạm tội quy định tại Điều 3 Công ước đã sử dụng đặc biệt là tại
các nước quá cảnh và các biện pháp đối phó thích hợp; Kiểm soát việc xuất khẩu,
nhập khẩu các chất ma tuý, các chất hướng thần và các chất trong Bảng I và Bảng
II Phụ lục của Công ước; Phát hiện và giám sát việc di chuyển thu nhập và tài
sản do phạm tội mà có, các chất ma tuý, chất hướng thần và các chất trong Bảng
I và Bảng II Phụ lục của Công ước, các dụng cụ đã sử dụng hoặc dự định sử dụng
để phạm các tội quy định tại Điều 3 Công ước; Cách thức chuyển giao, cất giấu
hoặc nguỵ trang những thu nhập, tài sản và những dụng cụ đó; Thu thập chứng cứ;
Phương pháp kiểm soát những vùng buôn bán tự do và cảng tự do; Các kỹ thuật hiện đại bảo vệ pháp luật.
Các nước thành viên Công ước giúp
đỡ lẫn nhau lập kế hoạch và thực hiện các chương trình nghiên cứu và đào tạo
chuyên gia nhằm trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ trong các lĩnh vực nói tại Công
ước này và khi cần thiết các nước thành viên Công ước có thể tổ chức các Hội
nghị khu vực và quốc tế, các Hội thảo để tăng cường sự hợp tác và thảo luận
những vấn đề các bên cùng quan tâm, kể cả những vấn đề đặc biệt và những điều
cần thiết của các nước quá cảnh.
b, Các quy định khác
về hợp tác và tương trợ quốc tế
Công ước còn quy định các nước thành viên hợp
tác trực tiếp hoặc thông qua những tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực có thẩm
quyền để giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong chừng mực có thể được, kể cả thông qua
những chương trình hợp tác kỹ thuật trong việc ngăn chặn buôn bán bất hợp pháp,
cũng như thực hiện các hoạt động liên quan khác.
Các nước thành viên có thể nhận trách nhiệm
trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực có thẩm quyền để
giúp đỡ về tài chính cho các nước quá cảnh nhằm mở rộng và củng cố cơ sở hạ
tầng cần thiết cho việc kiểm soát và ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn bán
bất hợp pháp.
Các nước thành viên có thể ký
kết những hiệp định hoặc thoả thuận song phương hoặc đa phương nhằm tăng cường
sự hợp tác quốc tế có hiệu quả theo Công ước này và có thể xem xét những thoả
thuận về tài chính đối với vấn đề thực
hiện hợp tác đó.
4.
CÔNG ƯỚC VỀ CHẤM DỨT TÀI TRỢ CHO KHỦNG BỐ
Công ước được Hội nghị của Liên Hợp quốc về
việc Thông qua Công ước chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và các chất
hướng thần họp tại Viên từ ngày
25.11.1988 đến ngày 20.12.1988 thông qua. Công ước đước mở cho các nước ký từ
ngày 20.12.1988 đến 28.02.1989 tại Văn phòng LHQ ở Viên, sau đó đến ngày
20.12.1989 tại trụ sở của LHQ ở New York. Công ước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 April
2002, có 172 nước là thành viên (đến ngày 22.02.2010). Việt Nam gia nhập
ngày 25.9.2002 kèm bảo lưu và tuyên bố đối với Điều 24 khoản 1 Công ước.
The Socialist Republic of Vietnam also
declares that the provisions of the Convention shall not be applied with regard
to the offences set forth in the following treaties to which the Socialist
Republic of Vietnam is not a party:
- International
Convention against the Taking of Hostages, adopted by the General Assembly of
the United Nations on 17 December 1979;
- Convention on the Physical Protection of Nuclear Material, adopted at Vienna on 3 March 1980;
- International Convention for [the] Suppression of Terrorist Bombings, adopted by the General Assembly of the United Nations on 15 December 1997.". The Convention was adopted by Resolution 54/109 of 9 December 1999 at the fourth session of the General Assembly of the United Nations. In accordance with its article 25 (1), the Convention will be open for signature by all States at United Nations Headquarters from 10 January 2000 to 31 December 2001.
- Convention on the Physical Protection of Nuclear Material, adopted at Vienna on 3 March 1980;
- International Convention for [the] Suppression of Terrorist Bombings, adopted by the General Assembly of the United Nations on 15 December 1997.". The Convention was adopted by Resolution 54/109 of 9 December 1999 at the fourth session of the General Assembly of the United Nations. In accordance with its article 25 (1), the Convention will be open for signature by all States at United Nations Headquarters from 10 January 2000 to 31 December 2001.
3.1. Những thông tin chung về Công ước
Với 34 điều khoản và 02 Bảng phụ lục, Công ước đã đề cập đến nhiều vấn đề
thuộc công pháp quốc tế, pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự quốc tế
được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Công ước đặt vấn đề chống buôn bán bất hợp
pháp các chất ma túy và các chất hướng thần trong quan hệ kết nối chặt chẽ với
các điều ước quốc tế nhiều bên về các chất ma túy và các chất hướng thần, đặc
biệt là Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy (Công
ước 1961); Công ước New York ngày 21.02.1961 thống nhất về các chất ma túy đã
được bổ sung, sửa đổi bởi Nghị định thư Geneva ngày 25.03.1972 (Công ước 1961
đã sửa đổi) và Công ước Viên ngày 21.02.1971 về các chất hướng thần (Công ước
1971).
3.2. Những quy định chung
a,
Mục đích của Công ước
[2] Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật
quốc tế, Bộ Tư pháp; Nguyên thành viên Đoàn đàm phán của Chính phủ về các vấn
đề kinh tế, thương mại quốc tế; Ủy viên thường vụ Ủy ban Hòa bình Việt Nam; Chủ
nhiệm Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.